Trong Hiến pháp năm 1992 xác định rõ, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo cùng với kinh tế tập thể tạo dần nền tảng cho nền kinh tế quốc dân. Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, điều 54 xác định:
Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.
Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.
Như vậy, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 không xác định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, theo tôi chưa thoả đáng. Bởi vì: Thứ nhất, từ trước tới nay chúng ta xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, được biểu hiện:
- Kinh tế nhà nước nắm những khâu, những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế quốc dân, đi đầu trong năng suất, chất lượng, hiệu quả và giải quyết các vấn đề xã hội.
- Kinh tế nhà nước hỗ trợ, dẫn dắt, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác phát triển.
- Kinh tế nhà nước là lực lượng vật chất quản lý kinh tế vĩ mô.
- Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Thứ hai, trong thực tế hiện nay, kinh tế nhà nước vẫn là bộ phận nắm lượng vốn lớn, nắm khoa học – kỹ thuật, đội ngũ cán bộ, đóng góp nhiều cho nền kinh tế quốc dân, và là lực lượng vật chất quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, thực tế trong những năm qua, khu vực kinh tế nhà nước làm ăn chưa thực hiệu quả (đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước: tập đoàn, tổng công ty), thậm chí là thua lỗ lớn. Nơi này, nơi kia kinh tế nhà nước còn cho thấy trình độ quản lý kém, gây thất thoát, lãng phí hàng ngàn tỷ đồng, làm cho niềm tin vào kinh tế nhà nước có phần giảm sút, đó là sự thật. Tuy nhiên, đó không phải là bản chất của kinh tế nhà nước, mà do nhiều nguyên nhân như cơ chế chính sách, quản trị doanh nghiệp, bố trí cán bộ… mới dẫn đến tình trạng trên. Đảng ta đang xác định, tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó trước hết là tái cấu trúc kinh tế nhà nước để kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Thứ tư, trong điều kiện nước ta hiện nay vẫn còn tồn tại các nguy cơ như:
- Nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa;
Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trên thế giới và khu vực;
Nguy cơ tham nhũng và tệ nạn xã hội phát triển;
Nguy cơ diễn biến hoà bình.
Trong nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta cần phải xác định rõ vị trí, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước để tránh nguy cơ đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu không làm rõ vai trò từng thành phần kinh tế trong sự phát triển sẽ khó trong công tác quản lý và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội.