Cơ sở của đề xuất phương hướng phát triển bền vững mô hình liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp
Với xuất phát điểm là một nước nông nghiệp và có tới 70% dân số gắn liền với kinh tế nông nghiệp, nhưng đến nay, nông nghiệp nói chung mới chỉ đóng góp khoảng gần 20% tổng GDP của nền kinh tế. Sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn chưa thực sự thoát khỏi tình trạng manh mún, lạc hậu, năng suất thấp, lãng phí sau thu hoạch còn ở mức cao, nông dân ở hầu hết các vùng trong cả nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu, đang đứng trước rất nhiều khó khăn thách thức. Trong đó, nguyên nhân cơ bản và có tính quyết định được chỉ ra dưới đây:
Sau nhiều năm đổi mới và tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vẫn còn trên 70% dân số nước ta sống ở nông thôn, gắn liền với sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
Kinh tế nông thôn vẫn còn nặng về nông nghiệp (chiếm 65% kinh tế nông thôn), công nghiệp, dịch vụ, chưa đủ sức thu hút tạo việc làm để thúc đẩy chuyển dịch ở nông thôn.
Nông sản Việt Nam nói chung có sức cạnh tranh thấp cả về giá cả, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm nên khả năng mở rộng thị trường bị hạn chế. Những hạn chế này xuất phát chủ yếu từ trình độ sản xuất thấp, công nghệ lạc hậu, năng lực tiếp thị, xúc tiến thương mại chưa cao.
Năng suất, hiệu quả của nông nghiệp Việt Nam vẫn còn thấp, trong khi quỹ đất nông nghiệp bị hạn chế và đang giảm dần trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, quy mô đất nông nghiệp/lao động nông nghiệp thuộc loại thấp nhất thế giới. Sự hạn chế này đang là trở ngại cơ bản cho hiện đại hóa sản xuất và tổ chức tiêu thụ sản phẩm.
Chênh lệch về thu nhập và mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng tuy đã được rút ngắn nhưng vẫn còn lớn. Ngay trong nông thôn, khoảng cách giữa nhóm 20% người giàu và 20% người nghèo nhất tiếp tục rộng ra,số hộ nông dân thoát nghèo tăng nhanh, nhưng việc giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao.
Thời gian lao động ở nông thôn mới đạt khoảng 75%; bình quân hàng năm tăng thêm khoảng 1 triệu lao động, càng làm tăng thêm áp lực về việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lớp trẻ. Trước đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ, nhưng tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề mới đạt khoảng 15%.
Cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, nhất là giao thông và thủy lợi ở các vùng nguyên liệu.
Công tác tổ chức quản lý sản xuất, chỉ đạo còn nhiều bất cập; nhiều nơi còn lúng túng về nội dung chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Nội dung phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa rõ; khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa có sự gắn kết chặt chẽ. Sự liên kết 4 nhà (nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông) còn lỏng lẻo, thiếu hiệu quả.
Sự biến đổi khí hậu ngày càng rõ, thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường với tầm ảnh hưởng rộng và mức gây hại lớn hơn. Hiện nay, nhiều địa phương đang phải gánh chịu nhiều hậu quả của thời tiết bất thường.
Quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh và sẽ làm gia tăng tính quyết liệt trong cạnh tranh. Điều này đưa đến nhiều thách thức và thách thức lớn nhất là cạnh tranh ngay tại “sân nhà” đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Để khắc phục những khó khăn, thách thức nói trên, sản xuất nông nghiệp Việt Nam không có cách nào khác là phải tổ chức hình thức sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm một cách phù hợp, hiệu quả bằng con đường tăng cường sự liên kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Thực trạng hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hiện nay
Tình hình chung
Về số lượng:
– Tổ hợp tác:
Tính đến ngày 30/06/2017, cả nước có hơn tổ hợp tác, trong đó có 12.672 tổ có đăng ký; số tổ hợp tác thành lập mới là 435 tổ, số tổ hợp tác giải thể là 515 tổ.
Hợp tác xã:
Theo báo cáo của 63 Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố, tính đến ngày 30/6/2017, cả nước có hơn 2 vạn hợp tác xã, hoạt động trong mọi lĩnh vực, như: nông nghiệp 10.754 hợp tác xã; thương mại – dịch vụ 1.533 hợp tác xã; xây dựng 573 hợp tác xã; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp 2.321 hợp tác xã; vận tải 1.002 hợp tác xã; tín dụng 1.168 quỹ tín dụng nhân dân; lĩnh vực khác 917 hợp tác xã; có 841 hợp tác xã thành lập mới và 321 hợp tác xã giải thể.
Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp:
Tính đến ngày 30/6/2017, cả nước có hơn 50 Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp; trong đó có 8 Liên hiệp thành lập mới, được hình thành thông qua việc liên kết giữa các Hợp tác xã để tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Theo báo cáo mới nhất, hiện có 12 Liên hiệp Hợp tác xã trong số 50 Liên hiệp Hợp tác xã đã ngừng hoạt động.
Về nội dung hoạt động:
– Tổ hợp tác: Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổ hợp tác tiếp tục phát triển, hoạt động khá hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên, đóng góp nhất định trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Phần lớn tổ hợp tác hình thành hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt… cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, chăm sóc cây trồng, chuyển giao công nghệ và bước đầu tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho tổ viên. Tuy nhiên, còn nhiều tổ hợp tác hoạt động theo mùa vụ, không đăng ký hoạt động theo Nghị định số 151- NĐ/CP, nên việc thống kê, theo dõi tình hình gặp khó khăn.
Cơ chế tổ chức và quản lý tổ hợp tác từng bước được hoàn thiện và chặt chẽ hơn, số tổ hợp tác có tài sản dùng chung, thành viên tham gia góp vốn, góp sức; thực hiện phân phối lãi theo vốn góp; có quy chế nội dung hoạt động chiếm khoảng 7% tổng số tổ hợp tác. Tổ hợp tác đã đáp ứng và khắc phục được một số mặt yếu kém của kinh tế hộ như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất; tăng sức cạnh tranh thị trường, góp phần nâng cao năng lực của kinh tế hộ; giúp các hộ sử dụng có hiệu quả hơn về đất đai, lao động, vật tư và tiền vốn; tiếp nhận những thông tin, tiến bộ khoa học – kỹ thuật góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của kinh tế hộ. Tổ hợp tác đã phát huy tinh thần tương thân, tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống, nhiều tổ thực sự đã giúp tăng thu nhập cho các hộ thành viên thông qua hợp tác, góp phần xóa đói giảm nghèo; đồng thời còn là cầu nối giữa chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội với người nông dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
– Hợp tác xã: Hoạt động của các Hợp tác xã cơ bản đều hướng vào mục tiêu phát triển kinh tế hộ; đặc biệt các Hợp tác xã đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và hiệu quả kinh tế; góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; phát triển và ổn định kinh tế – xã hội ở địa phương, nhất là thực hiện xóa đói giảm nghèo cho các hộ xã viên.
Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố, tính đến ngày 30/6/2017, đã có 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có xã đạt nông thôn mới; có 2.360 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (chiếm 26,45%). Số tiêu chí bình quân cả nước: 13,47 tiêu chí/xã; có 30 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Các Hợp tác xã thể hiện vai trò tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Thông qua Hợp tác xã , các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, giống mới… đã được chuyển giao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, tham gia xóa đói, giảm nghèo và tiến trình tái cơ cấu nền nông nghiệp. Một số Hợp tác xã đã có những đóng góp quan trọng vào cải tạo và xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng ở nông thôn như giao thông nội đồng, thủy lợi, đường điện, chợ…
-Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp:
Liên kết trong các Hợp tác xã : Liên kết trong các Hợp tác xã có nhiều chuyển biến tích cực, tại một số địa phương, các Hợp tác xã bắt tay “hành động tập thể” tham gia chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa. Tùy theo điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội mà hình thành các chuỗi gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương, trong đó riêng khu vực miền Nam có 146 Hợp tác xã và Liên hiệp Hợp tác xã tham gia xây dựng chuỗi với 7 nhóm sản phẩm hàng hóa. Số lượng các Hợp tác xã tham gia liên kết tăng, hình thức, nội dung liên kết đa dạng và quy mô mở rộng theo vùng, liên vùng xuất hiện nhiều, điển hình như: Quảng Ninh có 35 Hợp tác xã tham gia chuỗi OCOP. Theo số liệu điều tra của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, toàn quốc hiện có khoảng 800 Hợp tác xã đăng ký tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa.
Phần lớn các Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, khẳng định được mối liên kết hợp tác trong việc phát triển thị trường, tăng khả năng cạnh tranh, tạo việc làm ổn định, tạo niềm tin cho các Hợp tác xã thành viên và thành viên Hợp tác xã . Một số Liên hiệp Hợp tác xã đã đại diện cho các thành viên ký hợp đồng đại lý cấp 1 với Công ty (vừa cung cấp đầu vào, vừa tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho thành viên). Bên cạnh đó, vẫn còn không ít Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động cầm chừng, do nội dung hoạt động rất hạn chế, hiệu quả không cao, đầu dịch cung cấp cho các thành viên rất ít ỏi, do các nguyên nhân sau:
Thiếu cơ sở vật chất, nhà xưởng sản xuất (cây, con giống…), chế biến sản phẩm (lương thực, thực phẩm, gia súc, gia cầm…) sau thu hoạch cho các thành viên; Thiếu đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật để hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chế biến sản phẩm… cho các thành viên; Không có hệ thống cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua bán, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để hỗ trợ đầu ra cho thành viên; Quan hệ giữa liên hiệp và thành viên lỏng lẻo. Nghĩa vụ, quyền lợi hai chiều giữa liên hiệp và thành viên thiếu tính pháp lý chặt chẽ.
Nhận xét, đánh giá thực trạng hợp tác xã nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay
Căn cứ kết quả khảo sát, điều tra 296 Hợp tác xã và thành viênHợp tác xã nông nghiệp tại 25 tỉnh, thành phố của 8 vùng trong cả nước của Dự án: “Điều tra năng lực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và xây dựng mô hình Hợp tác xã cung ứng vật tư, chế biến và tiêu thụ nông sản” do Viện Phát triển kinh tế hợp tác tiến hành; Căn cứ báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã một số tỉnh, thành phố về các Hợp tác xã nông nghiệp, có thể đưa ra những nhận xét, đánh giá về tình hình, thực trạng Hợp tác xã nông nghiệp:
Ưu điểm, thuận lợi của hợp tác xã:
Số lượng tổ hợp tác, Hợp tác xã nông nghiệp tăng lên hàng năm; các Hợp tác xã hoạt động hình thức, yếu kém, quy mô nhỏ được củng cố, sáp nhập, giải thể. Số lượng thành viên trong các Hợp tác xã nông nghiệp đông nhất so với các Hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác. Bình quân có 723 thành viên/Hợp tác xã . Có nơi trên 90% số hộ nông dân trên địa bàn tham gia Hợp tác xã và hầu hết đều sử dụng dịch vụ của Hợp tác xã . Có nhiều Hợp tác xã (nhất là các Hợp tác xã cũ đã chuyển đổi) có số lượng xã viên, hộ xã viên trên 1000 người. Các Hợp tác xã nông nghiệp mới thành lập có số lượng xã viên ít hơn (bình quân 15-20 người/Hợp tác xã ).
Nguồn vốn của các Hợp tác xã nông nghiệp được nâng lên so với những năm trước. Vốn điều lệ của Hợp tác xã bình quân gần 840 triệu đồng/Hợp tác xã ; Tổng cộng nguồn vốn hoạt động của một Hợp tác xã nông nghiệp gần 1.774 triệu đồng/Hợp tác xã .
Về đất đai phục vụ sản xuất kinh doanh: Bình quân mỗi Hợp tác xã nông nghiệp sử dụng 37.437m2. Trong đó, đất làm trụ sở là 583 m2; Đất dùng làm nhà xưởng, kho, cửa hàng là 1.287 m2; Đất sản xuất cây, con giống là 24.915 m2; Đất dùng vào mục đích khác là 10.650 m2. Có gần 40% Hợp tác xã nông nghiệp có trụ sở, cơ sở sản xuất thuộc tài sản của Hợp tác xã .
Đã có 58.19% số Hợp tác xã nông nghiệp sử dụng công nghệ thông tin vào công tác kế toán; 55.85% sử dụng để soạn thảo văn bản, gần 10% Hợp tác xã sử dụng máy tính kết nối internet phục vụ kinh doanh,hoạt động marketing.
Phần lớn Hợp tác xã đã thể hiện tốt vai trò là “bà đỡ” phục vụ các hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên. Nhiều Hợp tác xã đã cung ứng, đảm nhận được một số dịch vụ đầu vào cơ bản cho thành viên, gồm: Dịch vụ tưới tiêu; Cung ứng phân bón; Cung ứng thuốc bảo vệ thực vật; Làm đất; cung cấp giống rau, màu, cây công nghiệp; Tiêm phòng gia súc, gia cầm; cung cấp thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm; Thức ăn nuôi trồng thủy sản; Cung cấp cá giống, tôm giống và giống gia súc, gia cầm… Trong đó, dịch vụ tưới tiêu được rất nhiều Hợp tác xã tham gia (66.56%), đáp ứng được đại đa số nhu cầu của xã viên (87.55%). Bên cạnh đó, dịch vụ giống lúa, giống rau, màu, cây công nghiệp, cá giống, tôm giống đã có khá nhiều Hợp tác xã triển khai (trên 50% số Hợp tác xã có dịch vụ cung cấp giống lúa và giống rau, 37.79% cung cấp cá giống, tôm giống). Qua khảo sát, các Hợp tác xã có hoạt động tiêu thụ nông sản cho thành viên, đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu tiêu thụ nông sản của xã viên (từ 65-78%). Khâu tiêu thụ nông sản cho thành viên đã chiếm trên 50% doanh thu của Hợp tác xã .
Vài năm gần đây, các Hợp tác xã cũng dần hướng mọi hoạt động của Hợp tác xã vào việc phục vụ lợi ích thành viên là chính, đồng thời mở thêm các hoạt động nhằm hỗ trợ thành viên tốt hơn, như: hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật canh tác, nuôi trồng; công nghệ sản xuất mới; tư vấn xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, tổ chức xúc tiến thương mại, tiếp thị sản phẩm cho thành viên …
Bên cạnh đó, sau khi tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác xã khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 10, từ ngày 18 đến ngày 21/04/2017 tại Hà Nội với chủ đề Tầm nhìn đến năm 2030 “Tăng cường sự hỗ trợ và hợp tác hơn nữa giữa Chính phủ và khu vực Hợp tác xã để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”, với sự tham dự có 500 đại biểu, trong đó có 189 đại biểu quốc tế đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, Hội nghị đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung và khuyến nghị với nội dung chính như sau: Đảm bảo môi trường thuận lợi, vận hành các Hợp tác xã trên nguyên tắc tự nguyện; định vị chiến lược các mô hình Hợp tác xã , đảm bảo quyền lợi cho các thành viên, các cá nhân, việc làm cho phụ nữ và các thành phần yếu thế; song hành phát triển các Hợp tác xã , phát triển thị trường; thúc đẩy mối quan hệ giữa Chính phủ và Hợp tác xã thông qua mối quan hệ đối tác, công bằng cho phụ nữ; tái dựng cộng đồng Hợp tác xã dựa trên bình đẳng giới; phối hợp thúc đẩy công nghệ thông tin, khuyến khích minh bạch và Hợp tác xã – doanh nghiệp thúc đẩy mối quan hệ giữa các bên liên quan. Đây có thể coi là một cơ hội tốt để các Hợp tác xã lớn mạnh.
Những yếu kém, hạn chế, khó khăn:
Khó khăn, yếu kém, hạn chế chung của các Hợp tác xã nông nghiệp chủ yếu là vấn đề vốn, năng lực tổ chức quản lý, đất đai, cơ sở sản xuất, quy mô của Hợp tác xã … Những khó khăn này đã trực tiếp hạn chế Hợp tác xã mở rộng các dịch vụ cho thành viên, khó phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh:
Quy mô thành viên (bình quân 723 người/Hợp tác xã ) không tương xứng với quy mô nguồn vốn điều lệ (bình quân 840 triệu đồng/Hợp tác xã ) và nguồn vốn hoạt động (bình quân 1.774 triệu đồng/Hợp tác xã ). Với nguồn vốn như vậy, các Hợp tác xã rất khó có thể tạo dựng cơ sở sản xuất, phát triển kinh doanh; mở rộng các hoạt động để cung cấp thêm các dịch vụ cho thành viên.
– Về vốn: Hầu hết các Hợp tác xã nông nghiệp luôn trong tình trạng thiếu vốn hoạt động. Trong khi đó, các Hợp tác xã rất khó khăn khi vay vốn ngân hàng và huy động thêm vốn góp của thành viên. Qua khảo sát 296 Hợp tác xã nông nghiệp cho thấy: Nguồn vốn vay của xã viên (bình quân 134 triệu/Hợp tác xã ); nguồn vốn vay của ngân hàng (bình quân 138 triệu đồng/Hợp tác xã ), chỉ chiếm trên dưới 9% so với nguồn vốn hoạt động của Hợp tác xã (gần 1.774 triệu đồng/Hợp tác xã ). Đây là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng khi đặt vấn đề định hướng xây dựng các Hợp tác xã , Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững.
– Về năng lực tổ chức quản lý Hợp tác xã :
Nhìn tổng quát, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp chưa tương xứng với yêu cầu: Số có trình độ đại học chỉ chiếm 14,72%; cao đẳng 2,68%; trung cấp 28.43%; sơ cấp 14,05%, số còn lại chưa qua đào tạo. Với nguồn cán bộ quản lý Hợp tác xã nông nghiệp vừa thiếu, vừa yếu, lại khó tìm nguồn bổ sung như vậy, việc nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển mạnh mẽ các Hợp tác xã nông nghiệp là điều rất khó thực hiện. Thực tế cho thấy, ở Hợp tác xã nào mà Chủ nhiệm có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao thì ở đó Hợp tác xã hoạt động có bài bản, hiệu quả cao và có tính bền vững.
Các Hợp tác xã nông nghiệp hiện tại cũng đang đứng trước khó khăn về đất đai, nhà xưởng. Đa số các Hợp tác xã nông nghiệp (trên 60%) có khó khăn về đất làm trụ sở, nhiều Hợp tác xã phải dùng nhà riêng của chủ nhiệm của Hợp tác xã làm trụ sở giao dịch hoặc mượn của xã viên Hợp tác xã , sử dụng tạm thời trụ sở của UBND xã bố trí. Tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các Hợp tác xã rất chậm và còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục, nguồn gốc đất và các quy định đòi hỏi mà Hợp tác xã không thể đáp ứng được.
Thực trạng các Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp hiện tại còn nhiều khó khăn, yếu kém. Số liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp có xu hướng giảm (năm 2016 là 42 liên hiệp, tháng 10/2017 còn 38 liên hiệp). Qua
khảo sát một số liên hiệp hợp tác xã cho thấy: vài liên hiệp hợp tác xã đã ngừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng. Trong đó, 4 liên hiệp gồm: Liên hiệp Hợp tác xã G5 Bà Rịa-Vũng Tàu; Liên hiệp Hợp tác xã Bò sữa Gia Định TP. Hồ Chí Minh; Liên hiệp Chè Thái Nguyên; Liên hiệp Chăn nuôi Nam Sách – Hải Dương đã ngừng hoạt động. Còn 2 Liên hiệp Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Giang, sau thành lập vẫn chưa hoạt động vì chưa góp đủ vốn; Liên hiệp Hợp tác xã Nông nghiệp An Giang đang gặp khó khăn.
Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém
Nguyên nhân chủ quan: Năng lực tổ chức, quản lý của các Hợp tác xã nông nghiệp còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu; tâm lý ỷ lại, thiếu năng động, sáng tạo còn khá phổ biến trong đội ngũ cán bộ quản lý Hợp tác xã ; tình trạng thiếu vốn, thiếu cơ sở sản xuất, kinh doanh còn khá phổ biến; bản chất, nguyên tắc Hợp tác xã chưa được các Hợp tác xã , các thành viên phát huy đầy đủ; lợi ích thành viên chưa được đặt lên hàng đầu trong hoạt động của nhiều Hợp tác xã , làm cho sự gắn bó giữa Hợp tác xã với thành viên thiếu khăng khít, bền chặt. Hoạt động của Hợp tác xã đôi khi bó hẹp trong nội bộ, sự liên kết giữa các Hợp tác xã với nhau, với các doanh nghiệp khác để phát huy thế mạnh của từng Hợp tác xã chưa được chú trọng; các hoạt động tiếp thị, xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đúng mức …
Đối với các liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến yếu kém, có nguyên nhân rất quan trọng là quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm qua lại, mối quan hệ về kinh tế giữa liên hiệp Hợp tác xã với các Hợp tác xã thành viên không được xác định cụ thể, rõ ràng. Trong hoạt động thực tế, những vấn đề trên cũng thiếu được tôn trọng, không có chế tài ràng buộc chặt chẽ.
Nguyên nhân khách quan: Tâm lý hoài nghi, mặc cảm với mô hình Hợp tác xã kiểu cũ vẫn còn khá phổ biến trong các cấp, các ngành, trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; Cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích phát triển Hợp tác xã , nhất là Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp chưa thực sự đi vào cuộc sống (việc giao đất không thu tiền cho các Hợp tác xã nông nghiệp làm trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện rất chậm, có địa phương không thực hiện; chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng; khoa học công nghệ; xúc tiến thương mại; vay vốn ưu đãi, hỗ trợ tài chính, miễn giảm thuế vv…) được thực hiện rất ít ỏi.