Tác động của vốn trí tuệ đối với hoạt động của doanh nghiệp tại các thị trường mới nổi Châu Á đã được xem xét trong các nghiên cứu trước đây như Indonesia (Soetanto & Liem, 2019), Thái Lan (Tran & Vo, 2018), Malaysia (Goh, 2005), các quốc gia khu vực Gulf Cooperation Council (Buallay & cộng sự, 2020), Thổ Nhĩ Kỳ (Ozkan & cộng sự, 2017), Ấn Độ (Singh & cộng sự, 2016).
Ngoài ra, các kỹ thuật kinh tế lượng khác nhau cũng được sử dụng, ví dụ như hiệu quả tác động cố định (fixed-effects) và hiệu quả tác động ngẫu nhiên (random-effects) (Tran & Vo, 2018; Ozkan & cộng sự, 2017); kỹ thuật bình phương bé nhất (OLS) (Buallay & cộng sự, 2020); và các kỹ thuật khác. Mặc dù tầm quan trọng của vốn trí tuệ ngày càng tăng, chưa có nghiên cứu nào xem xét cẩn thận vai trò của vốn trí tuệ đối với lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam.
Thứ nhất, các nghiên cứu về vốn trí tuệ đã được xem như động lực phát triển mới – một hệ quả của cuộc cách mạng công nghệ. Tuy nhiên, sự khác biệt trong việc đo lường và phân biệt các thành phần khác nhau của vốn trí tuệ có thể cung cấp bằng chứng thực nghiệm thiếu nhất quán (Tran & Vo, 2020a; Soetanto & Liem, 2019). Trong bài viết này, chúng tôi tiến hành phân tích và làm rõ định nghĩa về hiệu quả sử dụng vốn trí tuệ. Sau đó, vốn trí tuệ sẽ được đo lường sử dụng mô hình hệ số giá trị gia tăng trí tuệ hiệu chỉnh (Modified-value-added intellectual coefficient – MVAIC). Thứ hai, chúng tôi xem xét tác động của vốn trí tuệ, cũng như các thành phần cấu thành nên vốn trí tuệ, đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp dược phẩm ở Việt Nam. Thứ ba, chúng tôi cung cấp các khuyến nghị về mặt quản trị đối với các doanh nghiệp dược phẩm dựa trên những kết quả đạt được từ nghiên cứu này.
Cơ sở lý thuyết vốn trí tuệ
Vốn trí tuệ được định nghĩa là những kỹ năng, kiến thức và giải pháp độc đáo có thể được chuyển đổi thành giá trị trên thị trường, dẫn đến tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, năng suất và giá trị thị trường (Pulic & Kolakovic, 2003).
Lý thuyết dựa trên nguồn lực (Resource-based theory) (Penrose, 1959; Rumelt, 1987; Conner, 1991) và lý thuyết dựa trên tri thức (Knowledge-based theory) (Grant, 1996) thừa nhận rằng các nguồn lực vô hình tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và vốn trí tuệ được xem là một trong những nguồn lực vô hình đó (Edvinsson & Malone, 1997; Stewart, 1997). Lý thuyết dựa trên tri thức của Grant (1996) xem vốn trí tuệ là tài sản vô hình góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp (Bollen & cộng sự, 2005; Bontis, 2001). Castro & cộng sự (2019) cho rằng vốn trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế dựa trên tri thức và là động lực chính tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp.
Hiểu và đo lường vốn trí tuệ sẽ giúp doanh nghiệp tìm kiếm, phát triển và duy trì lợi thế cạnh tranh. Vốn trí tuệ được thể hiện thông qua con người, cơ cấu tổ chức và tài sản trí tuệ.
Vốn trí tuệ đã được một số nhà nghiên cứu phân loại theo các thành phần khác nhau (Kamath, 2007). Vốn trí tuệ được phân loại đầu tiên bởi Sveiby (1997), bao gồm vốn nhân lực (human capital), vốn cấu trúc (structural capital) và vốn quan hệ (relational capital). Đầu tiên, vốn nhân lực có thể được định nghĩa là kiến thức, kỹ năng, năng lực, chuyên môn và kinh nghiệm của các cá nhân trong tổ chức, có thể được sử dụng để hoàn thành mục tiêu và tăng hiệu quả của công ty (Cohen & cộng sự, 2014; Stewart, 1997). Thứ hai, vốn cấu trúc có thể được phân thành hai loại. Loại đầu tiên là cơ sở dữ liệu và tài sản trí tuệ như bằng sáng chế, bản quyền và thương hiệu. Loại thứ hai bao gồm các nguồn lực cơ sở hạ tầng liên quan đến hoạt động của các công ty (Keong Choong, 2008). Thứ ba, vốn quan hệ đại diện cho tổng nguồn lực sẵn có và tiềm năng xuất hiện từ các mạng lưới tổ chức và cá nhân liên quan đến doanh nghiệp (Henry, 2013; Sullivan Jr & Sullivan Sr, 2000). Vốn quan hệ bao gồm các mối quan hệ của công ty với khách hàng, nhà cung cấp, kênh tiếp thị và các bên liên quan tham gia vào hoạt động bán hàng.
Một số phương pháp đã được sử dụng để đo hiệu suất của vốn trí tuệ (Andriessen, 2004; Chan, 2009). Tuy nhiên, mô hình hệ số giá trị gia tăng trí tuệ (VAIC), được phát triển bởi Pulic (1998), là phương pháp được chấp nhận rộng rãi nhất để đo hiệu suất của vốn trí tuệ (Cabrita & Vaz, 2006; Kamath, 2007). Phương pháp này phân chia hiệu quả vốn trí tuệ thành ba thành phần: hiệu quả vốn nhân lực (human capital efficiency), hiệu quả vốn cấu trúc (structural capital efficiency), hiệu quả sử dụng vốn (capital employed efficiency).
Phương pháp VAIC có một số ưu điểm. Thứ nhất, dữ liệu được sử dụng trong VAIC dựa trên thông tin đã được kiểm toán (Chan, 2009; Firer & Williams, 2003) khiến phương pháp này trở nên khách quan và có thể kiểm chứng được (Pulic, 2004). Thứ hai, phương pháp này cũng đơn giản, đáng tin cậy và có thể so sánh được (Maditinos & cộng sự, 2011). Thứ ba, VAIC cung cấp một thước đo được tiêu chuẩn hóa và tích hợp việc phân tích và so sánh giữa các doanh nghiệp (Nimtrakoon, 2015; Zeghal & Maaloul, 2010; Sullivan Jr & Sullivan Sr, 2000). Hơn nữa, các yếu tố thành phần được sử dụng cũng phù hợp với nhiều định nghĩa được chấp nhận về vốn trí tuệ (Goh, 2005). Cuối cùng, VAIC rất phù hợp với điều kiện của các nước mới nổi và đang phát triển, nơi vẫn còn thiếu các thông lệ về kế toán tiên tiến và cấu trúc tài chính chưa tối ưu (Maditinos & cộng sự, 2011).
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu chỉ ra rằng mô hình VAIC vẫn tồn tại những hạn chế. Stahle & cộng sự (2011) đã chỉ ra “sự chồng chéo hoàn hảo” giữa công thức vốn nhân lực (human capital) và vốn cơ cấu (structural capital) hoặc sự mâu thuẫn lý thuyết. Vốn nhân lực được đại diện bằng chi phí nhân sự, còn vốn cấu trúc được đo lường bằng Giá trị gia tăng trừ đi Chi phí nhân sự. Khi vốn nhân lực có thể được đại diện bằng chi phí nhân sự, thì việc liên kết vốn cấu trúc với sự khác biệt giữa Giá trị gia tăng và Chi phí nhân sự là chưa được thuyết phục về lý thuyết (Soetanto & Liem, 2019; Stahle & cộng sự, 2011). Hoặc, phương pháp VAIC không bao gồm vốn quan hệ (relational capital) để xác định hiệu quả vốn trí tuệ (Vishnu & Gupta, 2014). Một chỉ trích khác được đưa ra về VAIC là mô hình không có khả năng đo lường các công ty có giá trị sổ sách âm. Vốn chủ sở hữu hoặc lợi nhuận hoạt động âm dẫn đến giá trị gia tăng âm. Do đó, những công ty đó phải bị loại bỏ khỏi mẫu nghiên cứu vì sự tồn tại các công ty này trong mẫu nghiên cứu không mang lại kết quả phân tích có ý nghĩa (Chu & cộng sự, 2011; Zeghal & Maaloul, 2010).
Một số nhà nghiên cứu đã giới thiệu mô hình hệ số giá trị gia tăng hiệu chỉnh như một phần mở rộng của mô hình VAIC ban đầu nhằm khắc phục những hạn chế và đo lường hiệu quả giá trị gia tăng của vốn trí tuệ một cách toàn diện hơn. Phương pháp MVAIC đáp ứng ba thành phần của vốn trí tuệ, bao gồm vốn nhân lực (human capital), vốn cấu trúc (structural capital) và vốn quan hệ (relational capital) và thành phần thứ tư là hiệu quả sử dụng vốn (capital employed) (Nimtrakoon, 2015; Vishnu & Gupta, 2014; Nazari & Herremans, 2007).
Vốn quan hệ (relational capital) còn được gọi là vốn bên ngoài. Thành phần này có thể được định nghĩa là khả năng của một tổ chức trong việc hợp tác với bên ngoài hoặc các bên liên quan như nhà cung cấp, khách hàng, chủ nợ, hiệp hội thương mại và các cơ quan chính phủ (Bontis, 2001). Sveiby (1997) đã xác định vốn quan hệ là mối quan hệ với khách hàng và nhà cung cấp. Vốn quan hệ có ý nghĩa không chỉ để tạo ra mà còn để duy trì mối quan hệ với bên ngoài để thành công (Joshi & cộng sự, 2013) và chi phí cần thiết để duy trì mối quan hệ đó là tiếp thị, chi phí bán hàng và quảng cáo (Nazari & Herremans, 2007). Do đó, chi phí tiếp thị, bán hàng và quảng cáo là đại diện của vốn quan hệ là hợp lý.
Các nghiên cứu trước đây đã cung cấp bằng chứng thiếu nhất quán về tác động của vốn trí tuệ đối với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Một số nghiên cứu khẳng định mối quan hệ tích cực (Phusavat & cộng sự, 2011; Ting & Lean, 2009; Yalama & Coskun, 2007), mối quan hệ tiêu cực (Britto & cộng sự, 2014), hoặc không tồn tại mối quan hệ có ý nghĩa thống kê (Chan, 2009; Firer & Williams, 2003), hoặc mối quan hệ phi tuyến phức tạp dạng bậc 2 hình chữ U (Haris & cộng sự, 2019; Yao & cộng sự, 2019) giữa tác động của vốn trí tuệ đối với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Ngoài ra, các thành phần của vốn trí tuệ cũng được tìm thấy có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của các doanh nghiệp. Yao & cộng sự (2019) cũng chỉ ra rằng vốn nhân lực có ảnh hưởng mạnh nhất đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Poh & cộng sự (2018) khẳng định rằng hiệu quả sự dụng vốn có tác động tích cực đến tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA). Kết quả nghiên cứu của Ozkan & cộng sự (2017) và Singh & cộng sự (2016) cho thấy hiệu quả vốn nhân lực và hiệu quả sử dụng vốn có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Trong một nghiên cứu gần đây, Mohapatra & cộng sự (2019) nghiên cứu hiệu quả hoạt động của 40 doanh nghiệp tại Ấn Độ trong giai đoạn 2011-2015. Các tác giả đã chỉ ra rằng vốn nhân lực có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó, vốn cấu trúc có ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tại Ấn Độ trong giai đoạn trên.
Tóm lại, một số nghiên cứu thể hiện rằng vốn trí tuệ có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tại quốc gia được nghiên cứu. Ngoài ra, Buallay & cộng sự (2020) khẳng định hiệu quả vốn nhân lực và hiệu quả sử dụng vốn, hai thành phần chính của vốn trí tuệ, có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tại các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council – GCC). Haris & cộng sự (2019) đã chỉ ra rằng vốn trí tuệ làm tăng hiệu suất và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhưng chỉ đến một mức độ nhất định. Sau đó, nếu vốn trí tuệ tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả doanh nghiệp.
Đo lường vốn trí tuệ
Theo Pulic (1998), VAIC đo lường hiệu quả tạo ra giá trị từ cả tài sản vô hình và hữu hình của doanh nghiệp. Theo nghiên cứu trước đây (Nimtrakoon, 2015; Vishnu & Gupta, 2014), các yếu tố của VAIC được sửa đổi (MVAIC) là hiệu quả vốn nhân lực (Human capital efficiency – HCE), hiệu quả vốn cấu trúc (Structural capital efficiency – SCE), hiệu quả vốn quan hệ (Relational capital efficiency – RCE) và hiệu quả sử dụng vốn (Capital employed efficiency – CEE). MVAIC được đo lường như sau:
MVAICi = HCEi + SCEi + CEEi + RCEi
HCE (Human capital efficiency) đại diện cho sự đóng góp của vốn nhân lực đề cập đến sự đóng góp biên của vốn con người của mỗi đơn vị vốn con người vào giá trị gia tăng; SCE (structural capital efficiency) chỉ ra sự đóng góp của vốn cấu trúc trong việc tạo ra giá trị; CEE (capital employed efficiency) đo lường sự đóng góp biên của mỗi đơn vị vốn vật chất và tài chính vào giá trị gia tăng và RCE (relational capital efficiency) cho biết sự đóng góp của vốn quan hệ trong việc tạo ra giá trị.
Nhiều phương pháp hồi quy như phương pháp bình phương bé nhất (OLS), ước tính tác động cố định (FE) và ước tính tác động ngẫu nhiên (RE) đã được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu thực nghiệm trước đây để tìm hiểu về sự đóng góp của vốn trí tuệ vào hoạt động của doanh nghiệp (Buallay & cộng sự, 2020; Ozkan & cộng sự, 2017; Tran & Vo, 2018). Tuy nhiên, các mô hình được nghiên cứu này gặp phải các vấn đề về mặt kỹ thuật có liên quan đến phương sai thay đổi và tự tương quan. Để giải quyết những vấn đề này, phương pháp moments tổng quát (generalized method of moments – GMM) được sử dụng. Sự cân nhắc này phù hợp với các nghiên cứu gần đây (Tran & cộng sự, 2020; Haris & cộng sự, 2019; Anifowose & cộng sự, 2018; Tran & Vo, 2018). GMM có thể được sử dụng để giải quyết các vấn đề về tính không đồng nhất không thể quan sát được hoặc tự tương quan (Roodman, 2009). Ngay cả trong bối cảnh các giả định nội sinh, GMM tạo ra các ước tính tốt, không thiên lệch và hiệu quả. Tính hợp lệ của các biến công cụ trong GMM được kiểm tra bằng cách sử dụng thống kê Sargan, Hansen và Arellano-Bond. Trong khi đó, kiểm định AR (2) được sử dụng để nhận diện hiện tượng tự tương quan.
Thảo luận kết quả nghiên cứu vốn trí tuệ
Là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới hiện nay, Việt Nam cần duy trì vị thế của mình bằng cách ưu tiên và tập trung phát triển nền kinh tế dựa trên tăng việc khai thác tối ưu nguồn tài sản vô hình, đặc biệt là tài sản trí tuệ chứ không thể chỉ dựa nguồn tài sản hữu hình như trong quá khứ. Kết hợp sử dụng giá trị từ vốn trí tuệ, bên cạnh giá trị của các nguồn tài sản hữu hình, sẽ đảm bảo quá trình phát triển mạnh mẽ và bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam, và rồi, đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định mối liên hệ giữa vốn trí tuệ và hiệu quả hoạt động của các công ty dược phẩm niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2011-2019. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng tồn tại mối quan hệ tích cực và đáng kể của vốn trí tuệ đối với hoạt động của các doanh nghiệp dược phẩm tại Việt Nam. Khi các thành phần của hiệu quả vốn trí tuệ, bao gồm hiệu quả vốn nhân lực (human capital efficiency), hiệu quả vốn cấu trúc (structural capital efficiency), hiệu quả vốn quan hệ (relational capital efficiency) và hiệu quả sử dụng vốn (capital employed efficiency) được xem xét, kết quả nghiên cứu có thể được tóm tắt như sau. Hiệu quả vốn nhân lực, hiệu quả vốn cấu trúc và hiệu quả sử dụng vốn có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Việt.
Tuy nhiên, hiệu quả vốn quan hệ có ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp dược phẩm tại Việt Nam. Vốn nhân lực và vốn cấu trúc vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo lập giá trị và gia tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, phù hợp với kết quả của các nghiên cứu trước (Xu & Li, 2019; Nimtrakoon, 2015). Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn lực tài chính và vật chất một cách hiệu quả cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp dược phẩm tại Việt Nam.
Những kết quả đạt được từ nghiên cứu này cung cấp một số bằng chứng khoa học định lượng, có ý nghĩa thiết thực cho các nhà quản trị các doanh nghiệp dược phẩm tại Việt Nam. Kết quả cho thấy các doanh nghiệp dược phẩm niêm yết tại Việt Nam tạo ra lợi nhuận chủ yếu từ việc sử dụng vốn vật chất và vốn cấu trúc. Do đó, các nhà quản trị nên tập trung vào việc sử dụng các nguồn lực tài chính và vật chất, cùng với vốn cấu trúc và vốn nhân lực để đạt được mức lợi nhuận cao hơn và bền vững hơn. Để tăng cường đóng góp của nguồn nhân lực vào hoạt động của doanh nghiệp dược phẩm, các nhà quản trị nên củng cố cơ cấu nhân sự và đầu tư vào nguồn nhân lực, chẳng hạn như cải thiện hiệu suất của nhân viên bằng cách đào tạo liên tục về các khía cạnh khác nhau của doanh nghiệp.