Phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị là một trong những biện pháp quan trọng nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam trở thành nền nông nghiệp giá trị cao, định hướng xuất khẩu. Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và triển khai hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, tăng cường liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi là một hướng đi có thể tạo ra năng lực cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp cũng như lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thế giới (Porter, 2001). Những năm gần đây để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp quy mô lớn, giá trị cao các chính sách của chính phủ Việt Nam hướng đến thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị thông qua khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân (Hồ Ngọc Hy, 2015). Để đánh giá các chính sách phát triển trên, đã có nhiều nghiên cứu về chuỗi giá trị nông sản đã được thực hiện. Các nghiên cứu chỉ ra rằng phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng phát triển nông nghiệp bền vững, vừa tạo lợi thế cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu vừa mang lại sinh kế cho người nông dân (Nguyễn Thị Ngọc Lan, 2017; Hoàng Việt Huy, 2018; Ngô Thị Phương Liên, 2018). Các yếu tố ảnh hưởng và các chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị, đặc biệt là cung cấp dịch vụ công để thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp cũng được phân tích, đánh giá (Bùi Quang Nhật & Trần Thị Lan Hương, 2017; Tạ Văn Tường & Đỗ Kim Chung, 2019).
Một số nghiên cứu chi tiết hơn về các mối liên kết trong chuỗi giá trị nông sản cho rằng:
i) các mô hình liên kết dọc giữa nông dân và doanh nghiệp cũng như các mô hình liên kết ngang giữa nông dân với nhau trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế theo quy mô cho người sản xuất vừa mang lại các lợi ích cho người tiêu dùng (Huỳnh Kim Thừa, 2018);
ii) cần phát triển cả các mối liên kết dọc và các liên kết ngang giữa các tác nhân cũng như phát triển các dịch vụ hỗ trợ về tín dụng, thông tin thị trường, logistics, dịch vụ chứng nhận quy trình sản xuất đạt chuẩn,… để thúc đẩy các mối liên kết giữa các tác nhân (Trần Vĩnh Hoàng, 2018);
iii) để phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững và hiệu quả thì cần xây dựng được mối liên kết bền chặt, tin cậy, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người nông dân (Nguyễn Phú Sơn, 2013; Đỗ Quang Giám & cs., 2015; Bùi Quang Nhật & Trần Thị Lan Hương, 2017; Nguyễn Thị Ngọc Lan, 2017; Hoàng Việt Huy, 2018; Ngô Thị Phương Liên, 2018).
Tuy nhiên, chưa có các nghiên cứu về thách thức và rủi ro trong các việc tham gia vào chuỗi giá trị của nông dân, đặc biệt là người nông dân dân tộc thiểu số ở các vùng miền núi của Việt Nam. Đây là những vấn đề rất quan trọng cần làm sáng tỏ để xây dựng các chính sách hỗ trợ thúc đẩy các mối liên kết cũng như nâng cao năng lực sản xuất theo chuỗi giá trị của nông dân, đặc biệt khi trình độ của người nông dân dân tộc thiểu số rất hạn chế. Nghiên cứu này nhằm góp phần lấp đầy khoảng trống nghiên cứu trên.
Phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị là một cách tiếp cận nhiều tiềm năng để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng chất lượng, giá trị của sản phẩm nông nghiệp cũng như thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, việc xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân có nhiều thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thách thức lớn nhất đó là doanh nghiệp chưa đủ năng lực cũng như chưa thể hiện được vai trò của tác nhân làm chủ chuỗi.
Doanh nghiệp muốn mở rộng nhanh vùng nguyên liệu nhưng thiếu sự đầu tư để xây dựng lòng tin với người dân, đào tạo dân sản xuất theo chuỗi giá trị và lo lắng về lợi ích cho nông dân, điều mà theo nghiên cứu này là một yếu tố nền tảng các liên kết bền chặt bảo đảm lợi ích dài hạn cho nông dân. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, để xây dựng các mối liên kết bền vững trong sản xuất theo chuỗi giá trị chanh leo cần có các chính sách dài hạn và nhất quán để nâng cao nâng lực cho nông dân về liên kết sản xuất tiêu thụ với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Các kế hoạch và chiến lược phát triển vùng nguyên liệu cần nhất quán, đảm bảo việc làm và sinh kế bền vững cho dân. Thêm vào đó, cần khuyến khích doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, với các tổ chức của người dân để giúp doanh nghiệp hiểu rõ người dân, tạo dựng lòng tin, tạo cơ chế giám sát cộng đồng và chú trọng đào tạo nông dân cả về kỹ thuật sản xuất và kiến thức trong sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.