Từ những thập niên cuối của thế kỷ XX đến nay, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã thực sự trở thành xu thế tất yếu, khách quan và ngày càng lan tỏa với quy mô ngày một lớn, tính chất ngày càng phức tạp và cường độ ngày càng tăng đối với Việt Nam. Xu thế này đã đưa Việt Nam vào cộng đồng nhân loại, bước sang một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của nó đã, đang và sẽ còn đặt ra cho cả cộng đồng nhân loại, cho mọi quốc gia, mọi vùng lãnh thổ phát triển hay đang phát triển cả những cơ hội lẫn những thách thức, cả những thuận lợi lẫn khó khăn mà để tồn tại và phát triển, nhất thiết đều phải vượt qua.
Trong bối cảnh đó, để tồn tại và phát triển; hơn nữa, để tồn tại trong sự phát triển bền vững và hội nhập một cách chủ động, tích cực với diện mạo mới, với vị thế ngày càng gia tăng trên trường quốc tế, hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục, trong đó có Việt Nam, đã lựa chọn con đường phát triển kinh tế thị trường từ những ưu thế, tiềm năng và bản sắc vốn có, với những bước đi, cách thức được xác định theo định hướng phát triển đã lựa chọn. Bởi lẽ, giờ đây, khi toàn cầu hóa kinh tế đang cuốn hút hầu như tất cả các quốc gia, các vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục vào quỹ đạo của nó thì kinh tế thị trường, với những ưu thế vốn có, đã thay đổi rất nhiều so với trước đây và đang ngày càng chứng tỏ sức mạnh, ảnh hưởng tích cực không chỉ đến sự phát triển đời sống kinh tế – xã hội nói riêng, mà còn đến cả tiến bộ xã hội nói chung, cả ở quy mô quốc gia, dân tộc lẫn trên phạm vi toàn cầu.
Phát triển kinh tế thị trường trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay không chỉ tạo ra cho cả cộng đồng nhân loại, cho mỗi quốc gia, dân tộc một lực lượng sản xuất khổng lồ, hùng mạnh, làm nên sự tăng trưởng với tốc độ ngày một gia tăng cho các nền kinh tế quốc gia, mà còn mang lại sự năng động cho đời sống xã hội ở mọi quốc gia, dân tộc. Không chỉ thế, khi những luật lệ quan trọng, những quy định bắt buộc của kinh tế toàn cầu được nhiều quốc gia chấp nhận và tuân thủ, chúng đã góp phần hạn chế đáng kể mặt trái và những ảnh hưởng tiêu cực mà kinh tế thị trường gây nên.
Song, kinh tế thị trường, ngoài những ưu thế đó, cũng như trước đây, vẫn luôn ẩn chứa những hạn chế mà không dễ gì khắc phục. Kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế hiện nay vẫn phải vận hành và chịu sự chi phối của các quy luật vốn có của kinh tế thị trường nói chung, như quy luật giá trị, quy luật giá trị thặng dư và nhất là quy luật cạnh tranh. Phát triển kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế hiện nay với những quy luật vốn có đó, nhất là với quy luật cạnh tranh mà những điều cạnh tranh ngày càng trở nên quyết liệt, đang dẫn tới sự phân hóa giàu – nghèo đến chỗ ngày một trở nên khắc nghiệt và với quy mô dãn cách ngày một lớn không chỉ giữa các quốc gia, dân tộc, mà còn giữa các giai tầng, tầng lớp xã hội trong mỗi quốc gia, dân tộc.
Tác động của quy luật giá trị, quy luật giá trị thặng dư và nhất là quy luật cạnh tranh đang làm cho một số quốc gia, dân tộc ngày càng trở nên giàu mạnh, còn một số quốc gia, dân tộc khác thì ngày càng lún sâu trong cảnh đói nghèo; một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế ngày một phát đạt, còn một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lại lâm vào tình trạng phá sản, làm ăn, kinh doanh ngày càng thua lỗ; một bộ phận xã hội, một số người trở nên thành đạt hơn, giàu có hơn, còn một bộ phận xã hội, một số người khác thì lâm vào tình cảnh thất thế, đói nghèo, thất nghiệp.
Không chỉ vậy, trong phát triển kinh tế thị trường, để thắng thế trong cạnh tranh, để thu được lợi nhuận và vì đồng tiền, nhiều người đã bất chấp tất cả, bất chấp cả sự hủy hoại môi trường sống của con người lẫn sự an nguy đến tính mạng con người. Trong phát triển kinh tế thị trường, lợi thế cạnh tranh, lợi nhuận, tiền bạc đang làm cho mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, giữa con người và tự nhiên ngày càng xấu đi, thậm chí cả nguy cơ tan vỡ mà khó có thể thiết lập lại như chúng vốn có theo quy luật lịch sử – tự nhiên.
Vì lợi thế cạnh tranh, vì lợi nhuận, nhất là do sức mạnh của đồng tiền, phát triển kinh tế thị trường đang làm cho con người bị tha hóa, những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp bị xói mòn, những mối quan hệ vốn mang tính nhân bản, nhân văn trong đời sống xã hội trở nên xơ cứng, thực dụng hóa. Phát triển kinh tế thị trường với tư tưởng làm giàu bằng mọi giá, đã khiến cho lương tâm con người trở nên lu mờ, trách nhiệm và nghĩa vụ đạo đức bị che khuất, nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội bị lãng quên. Và, một khi con người ta trở nên vô cảm, vô tâm, vô đạo đức, vô trách nhiệm trước những hiểm họa đang đe dọa trực tiếp đến sự sống, sự an nguy tính mạng của con người, họ sẵn sàng sản xuất, kinh doanh cả những sản phẩm, hàng hóa không chỉ bất chấp sự hủy hoại môi trường sống, mà còn bất chấp cả tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, dẫu vẫn biết đó là cái hết sức cần thiết cho sức khỏe con người.
Thêm nữa, phát triển kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, nhất là khi làm cho nó ngày càng trở nên sôi động trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, càng khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng, mọi giá trị đều có thể trở thành hàng hóa và giá trị thị trường là trên hết, là giá trị của mọi giá trị, là thước đo duy nhất để đo giá trị con người, giá trị của cả bản thân mình lẫn giá trị của những người khác, và vì nó, với quan niệm này, người ta sẵn sàng chà đạp, loại bỏ mọi giá trị chân chính của con người, kể cả giá trị đạo đức, văn hóa, pháp lý. Cũng vì nó, với quan niệm như vậy về giá trị trong đời sống kinh tế thị trường sôi động như hiện nay, đã ngày càng có nhiều người coi cuộc sống tiện nghi, lắm tiền, nhiều của như một giá trị chân chính, như thước đo duy nhất để đo sự thành đạt của mình, của người khác, như thước đo cao hơn mọi thước đo đạo lý, nhân cách, văn hóa, tri thức. Tình trạng đó khiến cho môi trường xã hội trong đời sống kinh tế thị trường sôi động vốn đã bị nhiễm đục lại càng trở nên đậm đục.
Nguy hại hơn, phát triển kinh tế thị trường trong bối cảnh mở cửa giao lưu văn hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là ở các quốc gia, dân tộc còn đang trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, ở đó không chỉ thiếu luật pháp, mà còn thiếu cả sự hoàn chỉnh và tính đồng bộ của luật pháp, pháp luật chưa thực sự đi vào đời sống, đời sống pháp luật chưa thực sự được đề cao, đã dẫn người ta đến chỗ coi thường pháp luật, bất chấp luật pháp để mở rộng quan hệ mua bán, trao đổi thị trường ra mọi lĩnh vực đời sống xã hội, kể cả những lĩnh vực mà ở đó, cả luật pháp lẫn đạo lý truyền thống đều nghiêm cấm đổi chác, mua bán. Trên thực tế, chúng ta đang hằng ngày phải chứng kiến không ít trường hợp người ta bất chấp cả luật pháp lẫn đạo lý để mở rộng quan hệ mua bán, trao đổi thị trường vào đời sống xã hội, từ đời sống cá nhân đến đời sống
cộng đồng, từ y tế, giáo dục – đào tạo đến thể dục – thể thao, văn hóa. Với việc mở rộng quan hệ mua bán này, đã có người mua quan, bán chức, mua học vị, bán bằng, “đổi điểm lấy tình”, đánh mất lương tri người thày, vi phạm y đức, bán rẻ nhân phẩm người thày thuốc bất chấp cả điều mà ai cũng biết – “lương y như từ mẫu”, hối lộ trọng tài, cầu thủ, mua thành tích thể thao, và vì ma lực đồng tiền mà người ta sẵn sàng tàng trữ, mua bán các chất kích thích, ma túy, chứa chấp và tổ chức mại dâm, nhập lậu và phổ biến đồ chơi, trò chơi kích động bạo lực, các sản phẩm văn hóa đồi trụy,… để đầu độc con người, nhất là thế hệ trẻ, khiến cho đời sống đạo đức trong kinh tế thị trường vốn đã phức tạp lại càng thêm phức tạp, môi trường xã hội trong kinh tế thị trường vốn đã bị vẩn đục lại càng thêm vẩn đục.
Từ tất cả những điều nói trên, có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ tính hai mặt của kinh tế thị trường lại bộc lộ rõ rệt đến như vậy trong giai đoạn toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập quốc tế hiện nay. Thành công và những ảnh hưởng tích cực do phát triển kinh tế thị trường mang lại cho đời sống kinh tế – xã hội, cho tiến bộ xã hội là điều không thể bác bỏ.
Phát triển kinh tế thị trường với những quy luật vốn có của nó, như quy luật giá trị, quy luật giá trị thặng dư, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, chống độc quyền,… đang ngày càng thể hiện rõ là phương thức phát triển kinh tế năng động nhất mà nhân loại đã tìm ra trên con đường đi tới công bằng, bình đẳng, dân chủ, văn minh và trên thực tế, nó đã thực sự tạo ra một sức bật mới, một bước ngoặt mới cho phát triển kinh tế – xã hội, cho tiến bộ xã hội ở mọi quốc gia, dân tộc, mà biểu hiện rõ nét nhất trong những thập niên gần đây là ở các quốc gia, các nền kinh tế chuyển đổi từ “cơ chế kế hoạch hóa tập trung” sang “cơ chế thị trường” như Việt Nam chúng ta.
Phát triển kinh tế thị trường không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với quy mô ngày một lớn, tốc độ ngày một nhanh, thúc đẩy tiến bộ khoa học và công nghệ, mà còn tác động nhiều mặt đến đời sống xã hội, kích thích khả năng độc lập, sáng tạo, sự năng động và tính hiệu quả trong hoạt động của mỗi con người và của cả cộng đồng xã hội.
Song, mặt trái và những ảnh hưởng tiêu cực do phát triển kinh tế thị trường mang đến cho đời sống kinh tế – xã hội, cho tiến bộ xã hội cũng là điều không thể chối bỏ và càng không thể không tính đến cho sự phát triển xã hội bền vững.
Do vậy, có thể nói, phát triển kinh tế thị trường dẫu mang lại thành công cho tăng trưởng kinh tế và những ảnh hưởng tích cực đến tiến bộ xã hội, khiến chúng ta không thể không tiếp tục phát triển và ngày càng hoàn thiện cơ chế thị trường, nhưng mặt trái và những ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với cân bằng sinh thái, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội đã buộc chúng ta không thể coi phát triển kinh tế thị trường như một phương thuốc có thể chữa bách bệnh, như một chiếc đũa thần vạn năng có thể tự loại bỏ mọi nguy cơ ẩn chứa trong nó.
Để phát triển đất nước với tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định, nhất là đối với phát triển xã hội bền vững, trong đó an sinh xã hội được đảm bảo và ngày càng có sự cải thiện vững chắc, chúng ta không thể không cố gắng và ra sức khắc phục, loại bỏ mặt trái và những ảnh hưởng tiêu cực mà phát triển kinh tế thị trường mang đến cho đời sống xã hội, nếu không thì không chỉ tăng trưởng kinh tế bị chặn lại, mà cả đời sống xã hội cũng không thể có được sự phát triển bền vững và chúng ta phải trả giá đắt cho môi trường sống, cho việc đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, vấn đề thực hiện và nâng cao trách nhiệm xã hội, cả trên phương diện luật pháp lẫn trên phương diện đạo đức, đối với việc cải thiện chất lượng môi trường sống và đảm bảo an sinh xã hội bền vững, có thể nói, đang được đặt ra một cách bức thiết hơn bao giờ hết.
Mặt khác, bản thân trách nhiệm xã hội cũng đang đòi hỏi mọi chủ thể kinh tế, từ nhà nước đến các doanh nghiệp, doanh nhân và mỗi người trong chúng ta đều phải có nghĩa vụ thực hiện nó và luôn ý thức được rằng, thực hiện trách nhiệm xã hội là nghĩa vụ, là bổn phận của chính mình và do vậy, cần phải có những đóng góp tích cực, có hiệu quả hơn nữa vào việc nâng cao tinh thần và ý thức về trách nhiệm xã hội cho tất cả mọi người.
Phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập quốc tế càng đòi hỏi mỗi người trong chúng ta không những phải tự mình ra sức thực hiện trách nhiệm xã hội với tư cách nghĩa vụ, bổn phận, mà còn phải có nghĩa vụ, bổn phận không ngừng nâng cao tinh thần và ý thức về trách nhiệm xã hội cho mọi chủ thể sản xuất, kinh doanh. Bởi lẽ, cả trên phương diện lý luận lẫn thực tiễn, khi phát triển kinh tế thị trường, kể cả kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà tinh thần và ý thức về trách nhiệm xã hội của các chủ thể sản xuất, kinh doanh và nói chung, của tất cả các thành phần kinh tế, của tất cả những người tham gia kinh tế thị trường không từ nhận thức trở thành hành động phổ biến và nhất là, không được nâng cao và thực hiện có hiệu quả, chúng ta sẽ không thể hạn chế hay giảm bớt để đi đến xóa bỏ, dẫu là không thể xóa bỏ một cách hoàn toàn, mặt trái và những ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường trong đời sống xã hội.
Do vậy, chúng ta không thể hy vọng có được sự phát triển xã hội bền vững, an sinh xã hội được đảm bảo, các quan hệ xã hội ngày càng trở nên lành mạnh, trong sáng với tư cách một trong những mục tiêu căn bản nhất mà phát triển kinh tế thị trường phải hướng đến. Phát triển kinh tế thị trường, thì sự thiếu trách nhiệm, sự trốn tránh trách nhiệm, nhất là sự vô trách nhiệm, của một cá nhân, một nhóm người hay một cộng đồng người và ở bất cứ phương diện nào, từ chính trị đến kinh tế, từ văn hóa, xã hội đến pháp luật, đạo đức đều có thể đưa lại những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường sống của con người, cả môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội, cho sự phát triển xã hội hội bền vững và an sinh xã hội ổn định. Thêm nữa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà các chủ thể kinh tế thiếu tinh thần và ý thức về trách nhiệm xã hội, nhất là thiếu những hành động thực tiễn mang tinh thần và ý thức trách nhiệm xã hội cao, hay tìm mọi cách để trốn tránh trách nhiệm xã hội thì rất có thể, không những các giá trị truyền thống, mà cả những giá trị mới hình thành, không những các thành quả phát triển xã hội đã có, mà cả những thành tựu phát triển xã hội mới sẽ bị hủy hoại bởi sự vô trách nhiệm này.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế lấy con người làm trung tâm, lấy sự phát triển toàn diện của con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu cao nhất cho phát triển bền vững. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải là sự phát triển vì con người, cho con người, vì sự phát triển toàn diện của con người và do vậy, mọi hoạt động kinh tế của các chủ thể sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế này đều phải nhằm mục đích đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của con người. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ không thể phát triển được, nếu các chủ thể sản xuất, kinh doanh không thể cạnh tranh nổi trên thương trường và đi đến chỗ phá sản. Để giành thắng lợi trong cạnh tranh trên thương trường, các chủ thể kinh tế này không thể không lấy người tiêu dùng làm đối tượng phục vụ, không thể không coi “khách hàng là Thượng đế” và để làm được điều này, họ không có cách nào khác ngoài việc tạo ra niềm tin nơi khách hàng và hơn nữa, giữ được niềm tin đó của khách hàng đối với các sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh, nghĩa là họ phải xây dựng được thương hiệu và giữ vững thương hiệu đó.
Đến lượt mình, việc tạo ra và giữ được niềm tin của khách hàng chỉ có thể có được khi các chủ thể sản xuất, kinh doanh lấy việc làm giàu nhưng không trái đạo lý, không vi phạm luật pháp, làm giàu một cách có trách nhiệm không chỉ với bản thân mình, mà còn với khách hàng, với cộng đồng và rộng hơn nữa là với đất nước làm phương châm hành động và thực hiện phương châm này cả trong cạnh tranh trên thương trường.
Cạnh tranh một cách có ý thức về trách nhiệm xã hội và lấy đó làm phương châm, làm nguyên tắc hoạt động trên thương trường buộc mọi chủ thể sản xuất, kinh doanh đều phải ý thức được một cách rõ ràng rằng, bản thân mình cũng như mọi chủ thể kinh tế khác đều không được phép cạnh tranh chỉ vì lợi ích, lợi nhuận của riêng mình, nhất là không được phép vì lợi ích, lợi nhuận đó mà bất chấp tất cả, bất chấp luật pháp, bất chấp các chuẩn mực đạo đức, bất chấp sự an nguy đến tính mạng con người; hoặc vì lợi ích, lợi nhuận đó mà có thể chiếm đoạt, chà đạp lên lợi ích, lợi nhuận của người khác, của khách hàng.
Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây cũng như trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện nay, hệ giá trị truyền thống chân – thiện – mỹ bao giờ cũng là hệ giá trị tinh thần cốt lõi trong đời sống con người, đời sống cộng đồng, là chỗ dựa vững chắc nhất giúp con người củng cố lẽ sống, lý tưởng sống, lối sống, mục đích sống của mình với tư cách một con người có lương tri. Thế nhưng, giờ đây, trong phát triển kinh tế thị trường, khi mà điều kiện cạnh tranh trên thị trường ngày càng trở nên khốc liệt, khi mà để giành lợi thế cạnh tranh và vì lợi nhuận, lợi ích cá nhân, không ít chủ thể kinh tế không chỉ bất chấp luật pháp, đạo lý, mà còn bất chấp cả lương tri con người.
Trong bối cảnh đó, chỉ có ý thức về nghĩa vụ và trách nhiệm đạo đức, ý thức về nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội đối với chính mình, với cộng đồng mới có thể trở thành cái thức tỉnh lương tri ở họ, mới có thể giúp họ trở về với lương tâm, đạo lý con người và hướng đến cái chân, cái thiện, cái mỹ trong cạnh tranh trên thương trường khốc liệt. Thêm vào đó, khi cái lợi đã trở thành mục đích trực tiếp, thành cái có tầm quan trọng đặc biệt và mang ý nghĩa quyết định đối với mọi chủ thể kinh tế trên thương trường, thì cũng chỉ có ý thức về nghĩa vụ và trách nhiệm đạo đức, ý thức về nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội mới có thể giúp họ kết hợp hài hòa cái lợi này với cái chân, cái thiện, cái mỹ trong cạnh tranh trên thương trường, và thu được cái lợi này qua việc tạo ra và giữ vững niềm tin nơi khách hàng.
Trong phát triển kinh tế thị trường, kể cả kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sở dĩ nghĩa vụ đạo đức, trách nhiệm xã hội có được vai trò to lớn và mang ý nghĩa quyết định như vậy đối với mọi chủ thể kinh tế trên thương trường, nhất là trong việc tạo ra và giữ vững niềm tin nơi khách hàng, tạo ra lợi thế và lợi nhuận trong cạnh tranh và kết hợp hài hòa các lợi ích
này với việc hướng đến hệ giá trị tinh thần truyền thống chân – thiện – mỹ là bởi, chúng chính là ý thức của họ về nghĩa vụ và bổn phận của mình đối với người khác, với cộng đồng xã hội. Thêm nữa, đây cũng chính là những cái thể hiện quan hệ không thể thiếu giữa các chủ thể kinh tế này với khách hàng, với cộng đồng xã hội và về thực chất, chúng được hình thành từ quyền và nghĩa vụ của họ đối với khách hàng, với cộng đồng xã hội trên cơ sở quan hệ lợi ích, trước hết là lợi ích kinh tế giữa họ với khách hàng, với cộng đồng xã hội.
Như vậy, có thể nói, trong phát triển kinh tế thị trường, kể cả kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tinh thần và ý thức về nghĩa vụ đạo đức, về trách nhiệm xã hội, nhất là việc biến tinh thần và ý thức này thành hành động thực tiễn và thực hiện hành động này một cách tự giác trên thương trường cần phải trở thành phương châm hành động, nguyên tắc hoạt động của mọi chủ thể kinh tế trong cạnh tranh trên thương trường. Bởi lẽ, chỉ có trên cơ sở tuân thủ một cách tự giác phương châm hành động, nguyên tắc hoạt động này mới có thể giúp cho các chủ thể kinh tế tự điều chỉnh các hoạt động của mình trong cạnh tranh trên thương trường một cách phù hợp với những đòi hỏi không chỉ của quy phạm pháp lý, mà cả của những chuẩn mực đạo đức và hướng tới những lợi nhuận, lợi ích chính đáng, gắn kết hài hòa cái lợi này với cái chân, cái thiện, cái mỹ với tư cách hệ giá trị tinh thần cốt lõi trong đời sống con người, đời sống xã hội. Theo đó, giờ đây, trong đời sống kinh tế thị trường, nâng cao nghĩa vụ đạo đức, trách nhiệm xã hội là vấn đề luôn có ý nghĩa lý luận bức thiết và hết sức cần thiết trên thực tiễn để qua đó, nâng cao chất lượng môi trường sống, cả môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội, vì cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn cho con người.
ĐẶNG HỮU TOÀN (*) PGS.TS. Phó Tổng biên tập Tạp chí Triết học