Sự cần thiết phục hồi doanh nghiệp phá sản như thế nào?
Phá sản là một hiện tượng kinh tế khách quan, đã có từ lâu, nhưng với tư cách là một hiện tượng phổ biến thì nó chỉ xuất hiện trong nền kinh tế thị trường. Có thể khẳng định, tình trạng phá sản là hậu quả đương nhiên của quá trình cạnh tranh, kinh doanh trên thương trường. Do đó, việc giải quyết hậu quả của quá trình đó là tất yếu, là nhiệm vụ của bất kỳ quốc gia nào nhằm đảm bảo một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các chủ thể tham gia kinh doanh, đảm bảo vai trò của nhà nước trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội.
Với ý nghĩa đó, luật phá sản doanh nghiệp là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống pháp luật kinh doanh, là cơ sở để xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, giải quyết mâu thuẫn về lợi ích, tránh những xung đột và đổ vở mang tính chất dây chuyền, đặc biệt là nền kinh tế có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, góp phần bảo đảm ổn định xã hội.
Đối với các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, luật phá sản thường mềm dẻo áp dụng quy định phá sản doanh nghiệp bao gồm hai thủ tục tương đối độc lập nhau, đó là thủ tục phục hồi và thủ tục thanh lý doanh nghiệp phá sản. Trong luật La mã cổ, một doanh nghiệp bị phá sản có nghĩa là “khánh tận”, “vỡ nợ” và cần phải tiến hành thanh lý nhằm mục đích thu hồi tài sản cho chủ nợ.
Hiện nay, đa số các nước có ban hành luật phá sản đều quy định về chế định nhằm phục hồi lại sự hoạt động của doanh nghiệp phá sản, có thể tên gọi khác nhau tùy theo mỗi quốc gia, ví dụ như, Nhật gọi là “hồi sinh” hay “tái sinh”, Trung Quốc luật phá sản cũ gọi là “chỉnh đốn”, luật phá sản mới gọi là “tái cơ cấu”, Nga gọi là “Tổ chức lại”… Ở Việt Nam luật Phá sản 1993 gọi là “tổ chức lại”, luật Phá sản 2004 gọi là “phục hồi”, xét về bản chất các quy định này nhằm hồi sinh lại sự hoạt động của các doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng phá sản.
Theo đó, nếu một doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, nhưng vẫn có cơ hội phục hồi được các hoạt động sản xuất kinh doanh, thì Nhà nước sẽ tạo cho họ cơ hội “tái sinh” để tiếp tục tham gia các hoạt động trong nền kinh tế, thậm chí có nước quy định thủ tục phục hồi là bắt buộc, nếu không còn khả năng phục hồi thì mới tiến hành thủ tục thanh lý. Ở Việt Nam, ngay từ khi ban hành pháp luật về phá sản, Luật phá sản doanh nghiệp năm 1993 đã thể hiện được nội dung đó với các quy định về tổ chức lại doanh nghiệp phá sản, và càng được khẳng định hơn mục đích này trong Luật phá sản doanh nghiệp năm 2004, với quy định về thủ tục phục hồi doanh nghiệp phá sản.
Đối với việc xây dựng một nên kinh tế thị trường hội nhập thì vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, trong bối cảnh khủng hoảng, khó khăn chung của kinh tế thế giới, sự cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thời mở cửa thì sự đổ vỡ của nhiều doanh nghiệp là điều dể hiểu, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bình quân trước đây, mỗi năm có khoảng 5.000-7.000 doang nghiệp phá sản, giải thể nhưng năm 2011 đã lên tới 54.198 doanh nghiệp, năm 2012 là 53.972.
Do vậy việc quy định nhằm phục hồi sự hoạt động của các doanh nghiệp này có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự ổn định và phát triển kinh tế xã hội. Để nhìn nhận đúng hết giá trị, ý nghĩa của nó, chúng ta xem xét đến sự tác động của phá sản đối với kinh tế xã hội như thế nào? Và vì sao cần phải phục hồi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản?
Phá sản tác động như thế nào đối với kinh tế – xã hội?
Hiện nay vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm phá sản, tuy nhiên cách hiểu được đa số các quốc gia có ban hành luật phá sản thừa nhận thì phá sản được hiểu là tình trạng một doanh nghiệp do làm ăn thua lỗ dẫn đến việc hoàn toàn mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn và bị Toà án, theo thủ tục luật định, ra quyết định bắt buộc doanh nghiệp thanh lý tài sản để trả nợ cho các chủ nợ và đồng thời ra quyết định chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp đó.
Khách quan mà nói, một doanh nghiệp khi tham gia trên thương trường đều ít hoặc nhiều đều có sự chiếm dụng nhất định nguồn lực của xã hội. Do đó, việc một doanh nghiệp kinh doanh thất bại, bị phá sản hay giải thể củng có nghĩa là cơ hội cho doanh nghiệp khác sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp thất bại đó. Trên khía cạnh kinh tế – xã hội, phá sản là cơ sở để thanh lọc các doanh nghiệp làm ăn yếu kém, thua lỗ, thông qua đó, nó cho phép xã hội tổ chức lại nguồn lực kinh tế theo hướng ngày càng hiệu quả hơn.
Người lao động có cơ hội phát huy, nâng cao tay nghề, nâng cao thu nhập ở những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, doanh nghiệp khác có cơ hội về mở rộng thị trường, tiếp cận các yếu tố đầu vào, Nhà nước sẽ thuận lợi hơn trong các chính sách tài chính, cơ cấu lại nền kinh tế, phân bổ các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, các chủ nợ sẽ được giải phóng các khoản nợ để có cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp khác, hoặc làm ăn với các doanh nghiệp hiệu quả, chủ các doanh nghiệp phá sản sẽ qua đó rút bài học tìm hướng đi thích hợp hơn. Phá sản, có thể nói, là cứu cánh cho doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, giúp họ có thể thoát hoàn toàn khỏi tình trạng nợ nần chồng chất, còn hơn là để doanh nghiệp này lay lắt tồn tại, không chỉ là gánh nặng chung cho xã hội mà sẽ như quả “bom nổ chậm”, nếu sự phá sản mang tính chất dây chuyền thì hậu quả của nó càng tác động to lớn trực tiếp đến kinh tế – xã hội, ví dụ như phá sản tín dụng nhà đất ở Mỹ những năm đầu của thế kỷ XXI là một điển hình.
Do vậy, các quy định của pháp luật về phá sản như là phương thuốc giúp cho nền kinh tế loại trừ những bộ phận “ốm yếu”, hoặc củng có thể tái tạo lại doanh nghiệp nếu còn cơ hội, là một công cụ hữu ích và hiệu quả để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, củng như đóng vai trò là một công cụ bảo vệ hoàn hảo cho con nợ, tạo điều kiện cho họ rút lui một cách có trật tự khỏi nền kinh tế, bởi sau khi thủ tục thanh lý kết thúc, mọi khoản nợ sẽ biến mất và con nợ được tự do.
Phá sản có thể đem lại nhiều lợi ích cho xã hội cũng như bản thân doanh nghiệp bị phá sản. Song những tác động tiêu cực cả về kinh tế – xã hội do phá sản gây ra củng không ít. Về mặt xã hội, phá sản một doanh nghiệp góp phần gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, người lao động mất thu nhập, chủ doanh nghiệp thường trắng tay sau phá sản, những yếu tố này dễ dẫn đến những tiêu cực nảy sinh trong xã hội như trộm cắp, buôn bán hàng cấm, trái phép, tự sát do làm ăn thua lỗ, nghèo đói,….
Về mặt kinh tế, phá sản gây ra nhiều tác động xấu đến sự phát triển ổn định của nền kinh tế. Đối với chủ nợ, việc thu hồi nợ sẽ khó khăn, quá trình phá sản kéo dài cũng khiến cho chủ nợ càng bị thiệt hại về kinh tế nhiều hơn, theo kết quả công bố trong Doing Business Ranking 2008, Việt Nam xếp thứ 124 trên tổng số 178 nước trên thế giới do có thời gian giải quyết phá sản rất dài với mức trung bình là 5 năm, mặt khác tài sản thu được thường thấp hơn rất nhiều so với số nợ và một doanh nghiệp phá sản thường không chỉ có một chủ nợ, bên cạnh đó phải chi phí cho thủ tục phá sản rất tốn kém, nên phần tài sản nhận được của chủ nợ lại càng ít ỏi, ví dụ như trường hợp phá sản Công ty thủy sản khu vực II Đà Nẵng: Số nợ phải thu là 10.479.775.313 VNĐ; số nợ phải trả 50.498.514.864 VNĐ; số nợ đã thu là 100.000.000đ đạt tỉ lệ 0,95%. Theo báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2008 do Tập đoàn Tài chính quốc tế IFC và Ngân hàng thế giới công bố, Việt Nam xếp thứ 91. Trong đó ở chỉ tiêu thứ 10, giải thể doanh nghiệp, báo cáo cho rằng việc giải quyết các doanh nghiệp phá sản ở Việt Nam còn kém hiệu quả, xếp hạng 121/178, thủ tục phải mất 5 năm, tốn kém đến 15% giá trị tài sản của doanh nghiệp. Đối với các bên liên quan chỉ thu hồi được 18% giá trị tài sản.
Đối với con nợ, doanh nghiệp khi bị phá sản hầu hết là không còn tài sản nào, bên cạnh đó, con nợ còn phải chịu một số vấn đề trách nhiệm pháp lý liên quan nên khó có thể tiếp tục tham gia sản xuất kinh doanh, hay tham gia vào một số lĩnh vực nhất định. Đối với bạn hàng của doanh nghiệp cũng phải chịu ảnh hưởng theo kiểu dây chuyền, ảnh hưởng nhất định, trực tiếp đến đầu vào, đầu ra hoặc phân phối sản phẩm trên thị trường. Đối với nhà nước việc doanh nghiệp phá sản đòi hỏi cần phải có nhiều chính sách hơn (nhất là tình trạng phá sản hàng loạt) về cơ cấu kinh tế, tài chính, lao động… và các chính sách trợ cấp xã hội.
Phục hồi doanh nghiệp phá sản mang lại những lợi ích gì?
Về mặt pháp luật, phá sản là một chế định vừa liên quan đến nghĩa vụ, vừa liên quan đến quyền của doanh nghiệp, đặc biệt là quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và được luật pháp bảo vệ. Nghĩa là doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh thì cũng có nghĩa vụ thực hiện các quy định liên quan đến mở thủ tục phá sản. Không chỉ có nghĩa vụ, doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán có quyền được pháp luật bảo vệ bằng cách đưa ra các biện pháp để phục hồi hoạt động kinh doanh của mình. Pháp luật về phá sản của Việt Nam chưa có định nghĩa, giải thích về thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh. Luật Phá sản năm 1993 dùng cụm từ “tổ chức lại kinh doanh”, “tổ chức lại hoạt động kinh doanh”; Luật Phá sản năm 2004 dùng cụm từ “phục hồi hoạt động kinh doanh”.
Tuy nhiên theo cách hiểu thông thường, thủ tục phục hồi là đem lại cho người mắc nợ đang trong tình trạng khó khăn những điều kiện và cơ hội tiếp tục kinh doanh chứ không phải thanh toán nó. Trái với thủ tục thanh toán là nhằm thanh lý tài sản của con nợ cho các chủ nợ và chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp đó. Việc quy định thủ tục phục hồi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản có ý nghĩa rất lớn trong luật phá sản, là cơ sở để bảo vệ toàn vẹn quyền lợi của cả chủ nợ và con nợ, người lao động, nhà nước và xã hội, tránh những đổ bể do phá sản gây ra.
Những lợi ích mang lại từ việc áp dụng thành công phục hồi đối với doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản:
Trước hết, có thể khẳng định phục hồi doanh nghiệp phá sản nhằm mục đích tái tạo lại doanh nghiệp. Đó là việc dùng các biện pháp được pháp luật cho phép nhằm hỗ trợ về tài chính, công nghệ, giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức, quản lý, lao động dưới sự quản lý chặt chẽ của pháp luật nhằm vực dậy doanh nghiệp, làm cho nó hoạt động bình thường trở lại để có khả năng trả các khoản nợ. Điều này củng có nghĩa là tài sản của doanh nghiệp bị yêu cầu tuyên bố phá sản không bị đem ra thanh lý, mà còn được hỗ trợ để tiếp tục các hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy, về mặt pháp lý, doanh nghiệp vẫn tiếp tục tồn tại, thực hiện các hoạt động kinh doanh bình thường, thực hiện các giao dịch với các đối tác, tuy nhiên sẽ bị ràng buộc bởi những thủ tục và quy định nhất định và sau khi trả nợ xong, doanh nghiệp vẫn sẽ là chính mình.
Thứ hai, phục hồi hoạt động của doanh nghiệp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của phá sản đối với xã hội. Phục hồi là cơ hội để doanh nghiệp tránh rơi vào phá sản và thanh lý tài sản. Đối với các doanh nghiệp lâm vào trình trạng phá sản mà nói việc được tiếp tục tham gia thương trường, không bị đổ bể sẽ tránh được sự tác động nặng nề bởi dư luận xã hội, các chủ nợ có cơ hội được hoàn trả đủ số nợ, người lao động tiếp tục có việc làm, bạn hàng không mất đi các yếu tố làm ăn truyền thống. Doanh nghiệp áp dụng thủ tục phục hồi đương nhiên sẽ phải áp dụng một số các biện pháp cần thiết, trong đó kể cả vấn đề tổ chức, nhân sự, hay thay đổi đối tác làm ăn, song đây là vấn đề thường không lớn. Ví dụ như có thể cắt giảm chi phí, sa thải nhân công, thay đổi công nghệ, thu hẹp sản xuất kinh doanh hay thay đổi thị thị trường làm ăn,…. dẫn đến có một bộ phận nhân công dôi dư, hay sẽ mất đi một số đối tác làm ăn, nhưng đó chỉ là vấn đề tinh giản, giảm bớt những phần không có hiệu quả. Phục hồi thành công củng có nghĩa là người lao động vẫn tiếp tục có việc làm, có thu nhập, giảm thiểu đói nghèo, hạn chế tiêu cực, tệ nạn. Doanh nghiệp sẽ không bị yếu tố tâm lý, yếu tố dư luận xã hội nhất là đối với các nhà lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp.
Thứ ba, doanh nghiệp phục hồi thành công sẽ góp phần ổn định kinh tế. Mỗi một doanh nghiệp đều tham gia trong một lĩnh vực nhất định của nền kinh tế, góp phần vào bức tranh chung cho sự phát triển của nền kinh tế, một yếu tố nào đó hay mắc xích nào đó bị “hỏng” sẽ ảnh hưởng nhất định đến toàn cục, từ nhỏ nhất đến lớn nhất. Đối với các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn nếu phá sản thì càng có tác động lớn đối với nền kinh tế, ở nước ta, việc Nhà nước phải trực tiếp chỉ đạo tái cơ cấu một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế hay các tổ chức tín dụng (mà thực chất các doanh nghiệp, tập đoàn hay các tổ chức tín dụng này đang ở bờ vực của sự phá sản) cho thấy, các doanh nghiệp này nếu không được áp dụng chế độ phục hồi thì hậu quả của nó đối với nền kinh tế chắc chắn là không ít, thậm chí còn dẫn đến sự đổ vỡ mang tính chất dây chuyền, do sự phụ thuộc lẫn nhau của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác.
Thứ tư, phục hồi hoạt động của doanh nghiệp góp phần làm thay đổi nhận thức về phá sản. Xuất phát từ cách hiểu phá sản có nghĩa là “vỡ nợ”, “khánh tận” mà hậu quả của nó là tài sản của các thương gia, doanh nghiệp bị đem ra thanh lý cho các chủ nợ, thậm chí con nợ còn phải bị bêu rếu, ngồi tù, đã có những giai đoạn trong lịch sử, việc gây ra phá sản cấu thành tội phạm trong pháp luật hình sự của các nước, nhìn thấy hậu quả của nó để lại cho xã hội, cho chính gia đình và cá nhân mình, nên đối với một thương gia, doanh nghiệp mà nói thường rất sợ hai từ này. Ở không ít quốc gia, phá sản được xem còn hơn cả sự sỹ nhục của một doanh nhân, như ở Nhật, Đức,… và thường nếu không thành công trong kinh doanh, mặc dù phá sản không bị coi là tội phạm, nhưng các chủ doanh nghiệp thường hay bị ảnh hưởng nặng nề bởi dư luận xã hội, thường có nhiều biểu hiện tiêu cực, thậm chí két thúc cuộc đời của mình theo doanh nghiệp. Ở Việt Nam, việc các doanh nghiệp, chủ nợ không gửi đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp có một phần từ chính nguyên nhân này, chưa kể là còn bị ràng buộc bởi một số trách nhiệm pháp lý khác.
Ngày nay, luật phá sản các nước đều xác định, phá sản không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền của công dân trong kinh doanh, thậm chí quy định này còn được nhiều thương nhân, doanh nghiệp lựa chọn áp dụng như là một giải pháp giải thoát an toàn, với xu hướng xây dựng pháp luật phá sản có mục tiêu là “hướng vào người mắc nợ” – tức là tập trung vào việc cứu các doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng khó khăn về tài chính, với sự ra đời của thủ tục phục hồi doanh nghiệp, nó đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức về quan niệm phá sản. Phá sản đúng là nơi kết thúc, là nơi biến mất nhưng đó là đối với sự phi hiệu quả hoặc phi kinh tế. Mặt khác, nó trở thành nơi bắt đầu của một doanh nghiệp khỏe mạnh trên nền tảng doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản đã được phục hồi.
Chúng ta chứng kiến rất nhiều vụ phá sản mà sự chủ động hoàn toàn thuộc về doanh nghiệp. Doanh nghiệp nộp đơn xin mở thủ tục phá sản, nộp bản phương án phục hồi kinh doanh, nhận sự trợ giúp hoặc những chính sách ưu đãi của Nhà nước và sau đó “sống dậy”. Ví dụ như tỷ phú bất động sản Donald Trump là một điển hình, là chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Phát triển địa ốc Trump Organization, là một ngành đòi hỏi nguồn vốn rất lớn nên không thể không vay nợ, việc làm ăn ở lĩnh vực này rất nhạy cảm và vấn đề thua lỗ là rất bình thường, trong kinh doanh Trump đã nộp dơn xin phá sản 4 lần vào các năm 1991, 1994, 2004 và 2009. Trả lời phỏng vấn tờ tạp chí Forbes gần đây, Trump cho biết, nhiều chủ doanh nghiệp lớn đã dựa vào luật phá sản Mỹ để tái cấu trúc nợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vào đổi mới doanh nghiệp.
Giải pháp giúp các doanh nghiệp nhỏ tháo gỡ những khó khăn về vốn
Tóm tắt nhanh:
Theo đó, nếu một doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, nhưng vẫn có cơ hội phục hồi được các hoạt động sản xuất kinh doanh, thì Nhà nước sẽ tạo cho họ cơ hội “tái sinh” để tiếp tục tham gia các hoạt động trong nền kinh tế, thậm chí có nước quy định thủ tục phục hồi là bắt buộc, nếu không còn khả năng phục hồi thì mới tiến hành thủ tục thanh lý. Ở Việt Nam, ngay từ khi ban hành pháp luật về phá sản, Luật phá sản doanh nghiệp năm 1993 đã thể hiện được nội dung đó với các quy định về tổ chức lại doanh nghiệp phá sản, và càng được khẳng định hơn mục đích này trong Luật phá sản doanh nghiệp năm 2004, với quy định về thủ tục phục hồi doanh nghiệp phá sản.
Khách quan mà nói, một doanh nghiệp khi tham gia trên thương trường đều ít hoặc nhiều đều có sự chiếm dụng nhất định nguồn lực của xã hội. Do đó, việc một doanh nghiệp kinh doanh thất bại, bị phá sản hay giải thể củng có nghĩa là cơ hội cho doanh nghiệp khác sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp thất bại đó.
Phá sản có thể đem lại nhiều lợi ích cho xã hội cũng như bản thân doanh nghiệp bị phá sản. Song những tác động tiêu cực cả về kinh tế – xã hội do phá sản gây ra củng không ít. Về mặt xã hội, phá sản một doanh nghiệp góp phần gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, người lao động mất thu nhập, chủ doanh nghiệp thường trắng tay sau phá sản, những yếu tố này dễ dẫn đến những tiêu cực nảy sinh trong xã hội như trộm cắp, buôn bán hàng cấm, trái phép, tự sát do làm ăn thua lỗ, nghèo đói,….
Thủ tục phục hồi là đem lại cho người mắc nợ đang trong tình trạng khó khăn những điều kiện và cơ hội tiếp tục kinh doanh chứ không phải thanh toán nó. Trái với thủ tục thanh toán là nhằm thanh lý tài sản của con nợ cho các chủ nợ và chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp đó. Việc quy định thủ tục phục hồi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản có ý nghĩa rất lớn trong luật phá sản, là cơ sở để bảo vệ toàn vẹn quyền lợi của cả chủ nợ và con nợ, người lao động, nhà nước và xã hội, tránh những đổ bể do phá sản gây ra….