Xây dựng con người Việt Nam: nguồn lực lao động trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa
Nước ta, con người luôn được coi là nguồn vốn quý nhất của xã hội. Sự tham gia tích cực của người dân vào quá trình phát triển đất nước luôn được khẳng định rõ trong đường lối của Đảng và các chủ trương chính sách, hệ thống pháp luật của Nhà nước.
Với những mục tiêu trên, nội dung xây dựng con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa hiện nay, cần tập trung vào những điểm sau:
Vấn đề phát triển nhân tố người lao động trong lực lượng sản xuất
Một là, nguồn lực lao động Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa phải là con người có thể chất khỏe mạnh, tránh được bệnh tật, có tuổi thọ cao. Đây chính là mục tiêu phát triển con người ở khía cạnh sinh học. Điều này có liên quan đến việc nâng cao không ngừng đời sống kinh tế và thu nhập, cải thiện môi trường sống, nâng cao điều kiện dinh dưỡng ăn uống, tăng cường các hoạt động lành mạnh văn hóa, giải trí, thể dục, thể thao.
Cần phải tạo điều kiện để người Việt Nam nâng cao không ngừng về chiều cao, căn nặng, sức mạnh cơ bắp và sức mạnh tinh thần. Về mặt thể chất, người Việt truyền thống không cao lớn như nhiều dân tộc khác, nhưng họ lại khỏe mạnh, dẻo dai, bền bỉ và có sức chịu đựng lớn. Phát huy được những mặt mạnh này là hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển con người.
Hai là, nguồn lực lao động Việt Nam cũng phải hướng tới mục tiêu nâng cao không ngừng năng lực về trí tuệ. Người Việt Nam phải là người có trình độ văn hóa và học vấn cao, có đủ khả năng tiếp nhận và sáng tạo ra những tri thức mới cho đất nước và nhân loại. Trong bối cảnh chúng ta đang hướng tới nền kinh tế tri thức thì việc phát huy sức mạnh của tri thức và học vấn của người Việt là hết sức quan trọng.
Trong xã hội Việt Nam truyền thống, người Việt vốn là dân tộc thông minh, ham học. Điều này cần được kế thừa và phát huy trong những điều kiện mới. Người Việt ngày nay cần phải có đủ trình độ về nhận thức để có thể đứng ở vị trí hàng đầu thế giới trên bình diện học vấn. Họ phải được không ngừng nâng cao về khả năng tư duy, hiểu biết và nắm được những vấn đề đỉnh cao trong kho tàng kiến thức của nhân loại. Họ phải có đời sống tinh thần phong phú, đa dạng và lành mạnh, có khả năng lao động với năng suất và chất lượng cao.
Người Việt nam cần phải trở thành những người có khả năng sáng tạo mạnh mẽ. Sáng tạo bao giờ cũng được coi là một trong những đặc trưng quan trọng, bất di bất dịch của văn hóa và tri thức. Trong ngọn lửa vĩnh cửu của sự sáng tạo, tri thức và văn hóa tồn tại, biến đổi và không ngừng nâng cao các giá trị của mình cùng với thời đại. Sáng tạo chính là một phương thức tồn tại của văn hóa và tri thức, thông qua sáng tạo mà văn hóa và tri thức biểu hiện bản chất của mình. Vì vậy, Đảng, Nhà nước ta không ngừng đẩy mạnh các hoạt động giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện để mỗi người dân có được những cơ hội thuận lợi trong học tập và sáng tạo. Xây dựng và phát triển một xã hội học tập trong đó mỗi người dân đều có cơ hội học tập, nâng cao học vấn và kiến thức cho mỗi người.
Ba là, nguồn lực lao động Việt Nam phải là những người có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo một cách bài bản, nắm được kỹ thuật và công nghệ tiên tiến nhất của thời đại. Họ cũng phải là những người có tác phong lao động và lối sống công nghiệp, biết lao động một cách chủ động và tự giác, biết giữ gìn kỷ luật lao động, biết tuân thủ chặt chẽ tính nghiêm ngặt của các quy trình công nghệ. Nói một cách khác là họ phải là những người có văn hóa nghề nghiệp tương ứng với quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa.
Cơ sở thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa không đơn thuần chỉ dựa trên các yếu tố đầu vào như nguồn vốn, cơ sở kỹ thuật, hạ tầng mà hơn thế, còn cả khả năng tiếp cận và khai thác một cách sáng tạo và hiệu quả các nguồn lực cơ bản của người lao động trong đó có những vấn đề về chuẩn mực, định hướng giá trị và hành vi nghề nghiệp, tức là cần đến những người lao động chuyên nghiệp tương ứng với quá trình công nghiệp hóa.
Vì vậy, người Việt Nam không chỉ được giáo dục về kỹ thuật, công nghệ và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn đơn thuần, mà phải được giáo dục về các chuẩn mực và giá trị lao động, được giáo dục về ý thức nghề nghiệp, sự lựa chọn nghề nghiệp, nâng cao khả năng lao động sáng tạo của mình. Nói một cách khác là phải đào tạo ra những con người lao động mới không chỉ có chuyên môn vững vàng mà còn có những định hướng giá trị lao động đúng đắn, phù hợp với quá trình công nghiệp hóa.
Bốn là, nguồn lực lao động Việt Nam phải là những con người sống có lý tưởng, có cuộc sống lành mạnh, trong sáng, biết yêu thương Tổ quốc và đồng bào mình, biết hy sinh lợi ích bản thân vì quyền lợi của dân tộc, nhân ái với bạn bè đồng chí, có tình cảm gia đình trong sáng.nguồn lực lao động Việt Nam phải là những người biết kế thừa những phẩm chất tốt đẹp truyền thống, cụ thể như những tình cảm cộng đồng tốt đẹp, tình yêu trong lao động, đức tính cần cù, sáng tạo, sự ham học hỏi. Họ cũng là những người có trình độ thẩm mỹ cao, có trình độ trong cảm thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa tinh thần, biết xa lánh các tệ nạn xã hội, dũng cảm trong đấu tranh bảo vệ lợi ích của cộng đồng, của tập thể. Để thực hiện được điều này, chúng ta phải tăng cường các hoạt động tuyên truyền giáo dục, xây dựng môi trường sống lành mạnh, xây dựng các chuẩn mực và giá trị đạo đức mới phù hợp với xã hội hiện đại.
Trên phương diện đạo đức, trong những điều kiện mới, người lao động phải có trách nhiệm tương ứng với thu nhập của mình, phải tạo ra của cải bằng chính đôi tay và khối óc của mình và không làm điều gì phải hổ thẹn với lương tâm và với người đời. Họ cũng phải là những người lao động trung thực, tìm thấy ở lao động những giá trị đạo đức, niềm kêu hãnh, sự say mê và hứng thú trong công việc. Thiếu điều đó họ sẽ trở thành những người lao động vô cảm, những cỗ máy khô cứng.
Nếu như ngày nay, sự phát triển kinh tế thị trường ngày càng có ý nghĩa với sự tăng trưởng, kinh tế thị trường đang tạo ra những động lực mới để nâng cao hiệu quả và năng suất lao động thì đồng thời, mặt trái của kinh tế thị trường cũng tác động tới nhân cách con người, cũng như sự hình thành các giá trị mới, đây là điều cần phải được nghiên cứu và phân tích. Chúng ta không thể quên một điều là mục đích cuối cùng của mọi hoạt động của con người trong đó có cả hoạt động kinh tế thị trường chính là vì sự phát triển tiến bộ của chính con người, vì hạnh phúc của con người. Thị trường tự do, trong bất cứ tình huống nào cũng không thể là phương thức vạn năng, không thể thay thế cho những giá trị nhân đạo khác về con người. Về phương diện này kinh tế thị trường chỉ có ý nghĩa về mặt phương tiện, như là một cách thức để đạt tới một mục tiêu cao cả hơn, một cuộc sống tốt đẹp hơn đối với con người.
Xây dựng nguồn lực lao động Việt Nam nói như Hồ Chí Minh, là một quá trình lâu dài –”vì lợi ích trăm năm”. Con người vừa là chủ thể vừa là khách thể của sự phát triển. Bởi vậy, việc phát triển con người đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải quan tâm đến cả hai khía cạnh này. Đảng và Nhà nước vừa phát huy vai trò của con người với tư cách là chủ thể của sự phát triển, đồng thời cũng quan tâm tới họ với tư cách như là khách thể, là mục tiêu của sự phát triển. Hai mặt này quan hệ biện chứng với nhau trong sự vận động chung của xã hội.
Chính điều này đòi hỏi chúng ta cần phải có những nghiên cứu sâu sắc và đầy đủ hơn về con người, phải có một chiến lược đúng đắn và hợp lý để từng bước xây dựng và phát triển con người. Chúng ta cũng cần có sự tổng kết những bài học sâu sắc trong truyền thống lịch sử của dân tộc về phát triển con người trong mối quan hệ giữa cá nhân với quê hương, làng xóm, với cộng đồng, Tổ quốc.
Cần phải có những chính sách và cơ chế hợp lý để hướng vào mục tiêu xây dựng và phát triển con người. Đầu tư cho con người cần được hiểu là những đầu tư lâu dài, cơ bản và có hiệu quả nhất đối với một đất nước đang vươn dậy trên một tầm cao mới.
Chính nguồn nhân lực lao động có tri thức, có ý thức kỷ luật, yêu lao động sáng tạo, có văn hóa nghề nghiệp cao, có nhận thức chính trị sáng suốt, được tổ chức chặt chẽ là linh hồn của sự phát triển công nghệ và kỹ thuật, là yếu tố quan trọng nhất đối với sự phát triển không ngừng và bền vững của sự nghiệp công nghiệp hóa. Đây chính là phép biện chứng của sự phát triển nguồn lực con người trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa.