Hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện kỹ năng sống cho người lao động
Để tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao ấy, hơn bao giờ hết, giáo dục và đào tạo cần hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện những giá trị của mỗi cá nhân giúp cho con người có năng lực để cống hiến, đồng thời có năng lực để sống một cuộc sống có chất lượng và hạnh phúc.
Khi đề cập đến vấn đề kỹ năng sống, khá nhiều quan niệm được trình bày, diễn đạt dưới nhiều gốc độ và cách tiếp cận khác nhau. Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) quan niệm kỹ năng sống là cách tiếp cận giúp thay đổi hoặc hình thành hành vi mới. Cách tiếp cận này lưu ý đến sự cân bằng về tiếp thu kiến thức, hình thành thái độ và kỹ năng.
Trong khi, tổ chức y tế thế giới (WHO) thì coi kỹ năng sống là những kỹ năng mang tính tâm lý xã hội, kỹ năng về giao tiếp được vận dụng trong những tình huống hằng ngày để tương tác một cách hiệu quả với người khác và giải quyết có hiệu quả những vấn đề, những tình huống của cuộc sống hàng ngày. Còn tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) cho rằng kỹ năng sống là năng lực cá nhân để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày. Không những thế, việc phân loại kỹ năng sống cũng hết sức đa dạng và phong phú.
Nếu như tổ chức y tế thế giới (WHO) phân giáo dục kỹ năng sống làm 3 nhóm: nhóm kỹ năng nhận thức, nhóm kỹ năng đương đầu với xúc cảm, nhóm kỹ năng tương tác, thì theo tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO), kỹ năng sống gắn với 4 trụ cột giáo dục: học để biết, học để làm, học để chung sống với người khác, học để làm người.
Riêng ở Việt Nam, nhiều kỹ năng sống được học sinh, sinh viên mong được tiếp cận như: biết tự nhận thức đúng về bản thân; biết sống an toàn, lành mạnh; biết đặt mục tiêu phù hợp với cuộc sống; biết giao tiếp có hiệu quả; biết tự học, tự nghiên cứu; biết đương đầu với cảm xúc căng thẳng; biết học phương pháp học; biết ra quyết định; biết phòng tránh tệ nạn xã hội; biết tư duy sáng tạo; biết thuyết phục; biết bảo vệ môi trường sống; biết thương lượng; biết tìm kiếm sự giúp đỡ; biết xác định giá trị; biết chơi các môn thể thao; biết phòng tránh sự lừa đảo; biết tư duy phê phán; biết hợp tác và cạnh tranh; biết giải quyết mâu thuẫn, tránh bạo lực; biết đọc ngôn ngữ của cơ thể; biết tự khẳng định mình…
Đề từ đó, người học sẽ có thái độ tích cực đối với những tình huống gây căng thẳng và sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
Thực tế cho thấy, kỹ năng sống đóng vai trò vô cùng quan trọng, nó được xem là chìa khóa vàng dẫn đến thành công của con người trong cuộc sống cũng như trong công việc. Do vậy, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên là việc làm vô cùng cần thiết và hữu ích đối với nền giáo dục. Ngay trong chương trình ở các trường đại học và trung học, phần giáo dục và rèn luyện kỹ năng sống cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Trong xã hội khi đánh giá học sinh, sinh viên cũng chủ yếu dựa vào điểm số trong các kỳ thi. Việc các phương tiện thông tin đại chúng ca ngợi những học sinh, sinh viên đã có thành tích cứu người bị tai nạn trong bão lụt hay tai nạn giao thông đều rất hạn hữu và cá biệt. Ngoài ra, ở phổ thông số môn học và số tiết học trong mỗi tuần quá nhiều, nên việc giáo dục kỹ năng sống chỉ có thể lồng ghép vào chương trình các môn học khác và các hoạt động của các tổ chức Đoàn, Đội. Do vậy, việc giáo dục kỹ năng sống trong trường phổ thông mới tập trung vào một số nội dung có tính toàn cầu như phòng chống ma túy và HIV/AIDS, bảo vệ môi trường, giáo dục sức khoẻ vị thanh niên… mang tính chuyên đề và không thường xuyên, nên tính bền vững không cao.
Để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên mang lại hiệu quả và những giá trị thiết thực, đòi hỏi cần có sự quan tâm đúng mức từ phía nhà trường, thầy giáo, cô giáo, cũng như các nhà quản lý giáo dục
Vai trò của tri thức giáo dục đại học trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực
Thứ nhất, cần có sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức về vấn đề giáo dục kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên. Bởi chính bản thân họ phải nhận thấy rằng giáo dục kỹ năng sống là một nhu cầu thiết yếu trong quá trình học tập và rèn luyện nhân cách của mình. Chỉ khi họ thấy đây thực sự là nhu cầu, thì họ sẽ có động cơ, thái độ, hành động tích cực hơn trong thực hiện kỹ năng sống. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần có những giải pháp thích hợp trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên trong quá trình đào tạo, giáo dục tại đơn vị mình.
Thứ hai, không nên chỉ chú trọng vào giáo dục các kiến thức khoa học, mà cần thực hiện giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên một cách hài hòa, tự nhiên với nhiều phương pháp đa dạng, đủ để học sinh, sinh viên có thể ứng xử phù hợp với những vấn đề trong học tập và sinh hoạt. Về bản chất, đây là thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy và học. Trong đó, đổi mới về nội dung bảo đảm vừa sức, thiết thực, giảm lý thuyết, tăng thực hành và ứng dụng, gắn với thực tiễn cuộc sống. Ðổi mới về phương pháp dạy học trong các nhà trường là dựa trên các hoạt động tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh…
Ở mỗi lứa tuổi khác nhau, có sự đổi mới chương trình giáo dục khác nhau như: bậc tiểu học tập trung vào giáo dục các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và tính toán, đồng thời coi trọng đúng mức các kỹ năng xã hội và các kỹ năng tư duy; bậc trung học cơ sở hình thành các năng lực cơ bản như thích nghi, hành động, ứng xử, tự học; bậc trung học phổ thông hình thành củng cố năng lực hành động có hiệu quả, thích ứng, giao tiếp, ứng xử, tự khẳng định và tự đánh giá, phê phán, và ở bậc cao đẳng, đại học cần hình thành cách sống tích cực trong xã hội hiện đại, xây dựng những hành vi lành mạnh, loại bỏ những thói quen tiêu cực, để từ đó giúp người học có cả kiến thức, giá trị, thái độ và các kỹ năng thích hợp, có khả năng tìm ra những cách ứng phó tích cực trong tình huống gây căng thẳng, biết cách giải tỏa cảm xúc và làm chủ bản thân, luôn trau dồi kỹ năng suy nghĩ tích cực, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự nhận thức cảm xúc của bản thân…
Thứ ba, không thể áp dụng các phương pháp của một môn học cụ thể vào giáo dục kỹ năng sống chung trong nhà trường. Vì kỹ năng sống không phải là môn học nhất định mà là một nội dung cần giáo dục trong nhà trường. Có thể tích hợp các kỹ năng sống vào các môn học khác nhau như hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, môn học giáo dục công dân ở trường phổ thông; có thể chia thành các vấn đề phù hợp với nội dung sinh hoạt theo từng thời điểm, chủ đề… chẳng hạn như: kỹ năng tổ chức học tập, tham gia các hoạt động tại trường, nơi công cộng và tại gia đình, kỹ năng khai thác thông tin, ra quyết định và giao tiếp, ứng xử… ở một số chuyên đề trong các trường cao đẳng, đại học. Vì thế, giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường cần bảo đảm có hệ thống, không bị chắp vá.
Thứ tư, đội ngũ giáo viên giảng dạy kỹ năng sống cần có kỹ năng, kiến thức sâu, rộng, bản thân cũng phải là tấm gương về đạo đức, lối sống. Vì vậy, cần đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên về những nội dung, phương pháp, sao cho đáp ứng được yêu cầu về giáo dục kỹ năng sống trong từng giai đoạn, từng thời kỳ phát triển, bảo đảm giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên trong nhà trường. Tóm lại, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, một nguồn nhân lực chất lượng cao đang là một nhu cầu hết sức cấp thiết.
Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm, đánh giá đúng của ngành giáo dục và đào tạo, cũng như của toàn xã hội. Từ đó có giải pháp phù hợp từng cấp học, từng mục tiêu, nội dung môn học và bối cảnh dạy học… nhằm giúp cho học sinh, sinh viên phát triển đồng thời các kiến thức, thái độ, kỹ năng cần có trong cuộc sống và học tập, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho mỗi học sinh, sinh viên.