Năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên
Sinh viên là những người đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Họ được đáp ứng đầy đủ quyền và nghĩa vụ học tập để chuẩn bị cho công việc tại những cơ sở giáo dục nêu trên trong tương lai. Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy đã nêu rõ: “Sinh viên được quy định tại quy chế này là người đang học chương trình đào tạo trình độ đại học hệ chính quy tại các cơ sở giáo dục đại học”; “Sinh viên là trung tâm của các hoạt động giáo dục và đào tạo trong cơ sở giáo dục đại học, được bảo đảm điều kiện thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền trong quá trình học tập và rèn luyện tại cơ sở giáo dục và đào tạo”.
Năng lực được hình thành từ những tố chất sẵn có và được phát triển trong quá trình học tập rèn luyện, để làm rõ năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên cần đề cập đến lĩnh vực giáo dục. Stukalenko & cộng sự (2016) đã khẳng định việc đổi mới sáng tạo trong giáo dục là một mô hình thống nhất không thể tách rời của ba quá trình sư phạm: tạo ra tính mới, thuần thục và ứng dụng chúng. Bên cạnh đó, quá trình đổi mới sáng tạo ở đây không mang tính chất tự phát mà được điều chỉnh một cách có ý thức, nhờ vào các điều kiện và nguồn lực cụ thể. Bên cạnh đó, Serdyukov (2017) nhận ra: trong lĩnh vực giáo dục, đổi mới sáng tạo có thể xuất hiện như một lý thuyết sư phạm mới, cách tiếp cận phương pháp luận, kỹ thuật dạy học, công cụ giảng dạy, quy trình học tập hoặc cấu trúc bài giảng mà khi được ứng dụng sẽ góp phần tăng hiệu quả hoặc cải thiện chất lượng học tập của sinh viên. Quá trình này liên quan đến không chỉ người học (sinh viên) mà còn phụ huynh, giáo viên, các nhà quản lý giáo dục, các nhà nghiên cứu hoạch định chính sách và cả các yếu tố có liên quan. Khi xem xét ở khía cạnh sinh viên, năng lực đổi mới sáng tạo được nghiên cứu từ các quá trình nhận thức diễn ra trong não (thường liên quan đến việc tiếp thu kiến thức trong quá trình học) cùng với việc xác định và phát triển các khả năng, kỹ năng, năng lực bao gồm: tu dưỡng thái độ, định hướng, hành vi, tạo động lực, tự đánh giá, tự chủ, cũng như việc giao tiếp, cộng tác, và năng suất học tập.
Trong khi năng lực của sinh viên được hình thành qua quá trình giáo dục, năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên được tạo nên nhờ đổi mới sáng tạo trong giáo dục. Đổi mới sáng tạo sư phạm trong bối cảnh đại học được đặc trưng bởi hành động có chủ đích nhằm cải thiện việc học tập của sinh viên đại học một cách bền vững nhờ những tiến bộ về công nghệ, tài chính và yếu tố xã hội của trường đại học (Walder, 2014). Kettunen & cộng sự (2013) xác định năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên bao gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ xác định cần thiết để sinh viên học tập và sẵn sàng bước vào môi trường làm việc. Như vậy, năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên có thể được hiều là khả năng của sinh viên giúp tạo ra giá trị mới nhờ tố chất sẵn có cùng với quá trình học tập rèn luyện và ứng dụng giá trị đó vào thực tiễn để đáp ứng nhu cầu, mục tiêu cụ thể.
Các đặc điểm cá nhân có quan hệ với năng lực đổi mới sáng tạo
Các nghiên cứu được thực hiện để phân tích năng lực đổi mới sáng tạo mà các đặc điểm cá nhân có tác động đáng kể đến năng lực đổi mới sáng tạo (Voo & cộng sự, 2019). Các đặc điểm cá nhân hoặc cá nhân được định nghĩa là các yếu tố cơ bản liên quan đến hiệu suất hiệu quả trong công việc và ảnh hưởng đến hành vi đổi mới của cá nhân (Chatenier & cộng sự, 2010).
Định hướng tương lai có quan hệ với năng lực đổi mới sáng tạo
Định hướng tương lai được sử dụng để mô tả hình ảnh của ai đó về “các vấn đề liên quan đến tương lai như một phần mở rộng tạm thời” (Seginer, 2009). Theo Michelini (2012), định hướng tương lai đề cập đến “tư duy tương lai” và “sự tỉnh táo trước những cơ hội mới”.
Kỹ năng tư duy sáng tạo có quan hệ với năng lực đổi mới sáng tạo
Kỹ năng tư duy sáng tạo liên quan đến việc tạo ra hoặc điều chỉnh các giải pháp thay thế, ý tưởng, sản phẩm, phương pháp hoặc dịch vụ có ý nghĩa bất kể tính thực tiễn và giá trị gia tăng có thể có trong tương lai. Cerinsek & Dolinsek (2009) cho rằng công cụ đo lường năng lực đổi mới có giá trị chấp nhận được và có thể dựa vào đó để xác định năng lực đổi mới của nhân viên thông qua chín mẫu năng lực, bao gồm cả tính sáng tạo. Pratoom & Savatsomboon (2012) đã nghiên cứu sự đổi mới dưới hai góc độ, đó là nhóm và cá nhân, đồng thời nghiên cứu mối tương quan giữa các yếu tố với những yếu tố khác.
Các kỹ năng xã hội có quan hệ với năng lực đổi mới sáng tạo
Các kỹ năng xã hội, bao gồm kỹ năng cộng tác, kỹ năng kết nối và kỹ năng giao tiếp, được coi là những yếu tố cốt lõi ảnh hưởng đến cải tiến đổi mới. Kỹ năng hợp tác thể hiện khả năng làm việc hiệu quả với những người khác, tham gia vào nhiệm vụ làm việc nhóm và thể hiện vai trò của một thành viên trong nhóm (Cobo, 2013). Kỹ năng kết nối, hoặc khả năng tạo dựng, giữ gìn và phát triển các mối quan hệ, đã được đề xuất để ảnh hưởng đến kết quả giáo dục (Eggens & cộng sự, 2008). Kỹ năng giao tiếp đề cập đến việc trao đổi thông tin và ý tưởng giữa các đồng nghiệp (Cobo, 2013). Thu thập và chia sẻ ý tưởng mang lại sự thay đổi để kích thích tư duy sáng tạo vì nó “phá bỏ ranh giới” và thúc đẩy sự phát triển đổi mới (Blasini & cộng sự, 2013).
Kiến thức chuyên sâu có quan hệ với năng lực đổi mới sáng tạo
Kiến thức chuyên sâu liên quan đến sự thành thạo lĩnh vực hoặc chuyên ngành của một người và kiến thức về các lĩnh vực hoặc ngành khác (Hero & cộng sự, 2017). Hero & cộng sự (2017) đã khẳng định nội dung kiến thức đóng một vai trò quan trọng trong năng lực đổi mới sáng tạo.
Kỹ năng quản lý có quan hệ với năng lực đổi mới sáng tạo
Zaman & cộng sự (2020) kết luận rằng quản lý tác động đến thành công của đổi mới sáng tạo. Các kỹ năng quản lý được xác định là kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng tổ chức, kỹ năng thực thi và điều phối công việc, kỹ năng lãnh đạo và kỹ năng làm việc nhóm (Shariff & cộng sự, 2013). Bên cạnh đó, kỹ năng quản lý cùng với kỹ năng công nghệ, có xu hướng ngày càng được yêu cầu về cơ bản ở khía cạnh kỹ thuật số và / hoặc công nghệ (Kinkus, 2007).