Đổi mới sáng tạo là một thước đo quan trọng đánh giá khả năng cạnh tranh và sự thích ứng với thời cuộc, nắm bắt xu thế xã hội của bất kỳ một cá nhân nào trong nền kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế số đang có sự phát triển mạnh mẽ, nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên trong các trường đại học sẽ giúp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho sinh viên, qua đó cải thiện việc học tập của sinh viên một cách bền vững nhờ những tiến bộ về công nghệ, tài chính và yếu tố xã hội của trường đại học. Đổi mới sáng tạo là việc sử dụng tri thức mới để tạo ra một dịch vụ hoặc sản phẩm mới mà khách hàng mong muốn; đổi mới sáng tạo gồm quá trình phát minh và thương mại hóa. Đổi mới sáng tạo có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững doanh nghiệp và là tiền đề quan trọng để tạo ra năng lực cạnh tranh (Đỗ Anh Đức, 2020; Đỗ Anh Đức & Trương Thị Huệ, 2018). Fagerberg (2004) cũng cho rằng đổi mới sáng tạo là sự thương mại hóa đầu tiên của ý tưởng. Do đó, đổi mới sáng tạo đã trở thành một năng lực cốt lõi mang tính chất chung và sẽ được tích hợp trong thực tế hàng ngày (Bozic, 2017).
Theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (World Intellectual Property Organization – WIPO), chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2020 đã xếp hạng 42/131 quốc gia, đứng đầu trong nhóm 29 nước có thu nhập dưới trung bình, đứng thứ 9/17 nền kinh tế khu vực Đông Nam Á, Đông Á và Châu Đại Dương. Kết quả này đã ghi nhận những thay đổi tích cực của Việt Nam trong việc hoàn thiện và nâng cao thứ bậc trong đánh giá đổi mới sáng tạo của quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ về tín dụng, nhập khẩu công nghệ cao, tổng thu nhập quốc dân,… thì không thể phủ nhận Việt Nam vẫn còn một số tồn tại như về mặt thể chế, đầu tư, đăc biệt là nhân lực có kiến thức chuyên sâu,…
Bên cạnh đó, kết quả phân tích nền kinh tế số của Việt Nam của Lucy Cameron & các cộng sự (2019) đã chỉ rõ một trong những điểm yếu còn tồn tại là “thiếu đổi mới sáng tạo và giám sát sử dụng kỹ thuật số” và đối tượng thực hiện đổi mới sáng tạo bao gồm các trường đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo, công ty khởi nghiệp, các cá nhân. Vì vậy nghiên cứu năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên trường đại học góp phần quan trọng vào việc xử lý những điểm yếu trên. Năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên được nâng cao sẽ giúp sinh viên thể hiện tốt khả năng khi tham gia vào thị trường lao động và là điều kiện để kinh tế Việt Nam phát triển trong tương lai lâu dài.
Tầm quan trọng của năng lực đổi mới sáng tạo cá nhân
Đổi mới sáng tạo, trong tiếng Anh là “innovation”, là một thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Latin, phát triển từ gốc “nova” có nghĩa là mới. Đổi mới sáng tạo được hiểu là việc tạo ra và ứng dụng một cái mới. Trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, đã có nhiều học giả nghiên cứu các vấn đề liên quan đến năng lực đổi mới sáng tạo dưới nhiều góc độ khác nhau trong đó có góc độ cá nhân. Các công trình nghiên cứu theo góc độ này chủ yếu nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng và xây dựng các mô hình đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cá nhân.
Evers (2005) đã nghiên cứu về danh mục các kỹ năng cần thiết cho các cá nhân trong 2 quá trình: từ sinh viên đại học đến khi đi làm và quá trình chuyển đổi các công việc khác nhau của những người đi làm. Nghiên cứu đã đề cập đến đổi mới sáng tạo như là một trong 4 nhóm năng lực cơ bản trong danh mục. Các khảo sát được hoàn thành bởi các sinh viên, sinh viên đã tốt nghiệp và các nhà quản trị. Danh mục được xây dựng là một tập hợp 18 loại kỹ năng cần thiết, chia làm bốn nhóm năng lực là: quản trị bản thân, giao tiếp, quản trị con người và các nhiệm vụ, vận động đổi mới sáng tạo và thay đổi. Sự vận động đổi mới sáng tạo được hiểu là việc lên ý tưởng và tiến hành các hành động bằng cách bắt đầu một sự thay đổi có liên quan đến cái hiện có và quản trị sự thay đổi đó. Trên cơ sở đó, tác giả chỉ ra sự đổi mới sáng tạo của mỗi cá nhân gồm 4 thành phần: khả năng lên ý tưởng, sự sáng tạo/đổi mới/thay đổi, mức độ chấp nhận rủi ro và tầm nhìn.
Hernández & cộng sự (2007) đã tập trung đánh giá sự tác động của nhu cầu việc làm và nguồn lao động đến sự đổi mới sáng tạo của cá nhân dựa theo mô hình kiểm soát nhu cầu công việc của Karasek (1979). Kết quả với các phân tích hồi quy giúp tác giả nhận thấy mối quan hệ tích cực giữa nhu cầu công việc và cá nhân đổi mới trong các tình huống được đặc trưng bởi nguồn công việc cao. Hay nói một cách dễ hiểu hơn, người lao động giải quyết các công việc bằng cách đưa ra những cách làm mới và cải tiến hơn dựa trên nguồn lực công việc mà họ có.
Cerinsek & Dolinse (2009) đã phân tích khái niệm đổi mới sáng tạo và cho rằng đổi mới sáng tạo là sự giao thoa giữa sự sáng tạo (creativity) và sự ứng dụng thực tiễn (entrepreneurship) trong tổ chức. Từ đó họ xây dựng mô hình các yếu tố đặc điểm cơ bản của năng lực đổi mới sáng tạo của lao động trong tổ chức, bao gồm các yếu tố: sự tò mò (curiosity), sự tự lập (autonomy), sự linh hoạt (flexibility), khả năng tiếp nhận (ability to perceive), động lực (motivation), sự tham vọng (ambitiousness), sự sáng tạo (creativity), sự tự tin (self-confidence), sự khởi nghiệp (entrepreneurship); sau đó dùng các phương pháp định lượng để phân tích. Kết quả thu được là một biểu đồ radar (radar chart) hai chiều gồm 9 yếu tố, giúp tổ chức có một bức tranh rõ ràng về các nỗ lực trong tương lai nhằm giảm khoảng cách cần được hướng tới để tiếp tục phát triển và kích thích năng lực đổi mới của nhân viên.
Waychal & cộng sự (2011) coi đổi mới sáng tạo là một loại năng lực của cá nhân, đã thực hiện nghiên cứu trong một công ty công nghệ của Ấn Độ. Nghiên cứu này cho rằng đổi mới sáng tạo là một năng lực quan trọng của con người. Mục đích của đổi mới sáng tạo là tạo ra giá trị kinh doanh, giá trị đó có thể có nhiều dạng khác nhau như cải tiến các sản phẩm hiện có, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn mới và làm giảm các chi phí. Các tác giả đã công nhận rằng năng lực đổi mới sáng tạo liên quan đến một tập hợp các năng lực sau: tầm nhìn xa, khả năng tạo ra các ý tưởng, sự kết nối các mối quan hệ bên trong và bên ngoài, quyền sở hữu trong tổ chức, tư duy mở, sự tập trung vào các nhiệm vụ và sự ra quyết định. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cho thấy giới tính, độ tuổi, sở thích đọc sách và nền tảng giáo dục cá nhân là các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực đổi mới sáng tạo.
Pratoom & Savatsomboon (2012) đã giải thích và chứng minh mối liên hệ chặt chẽ giữa đổi mới sáng tạo dưới góc độ cá nhân với đổi mới sáng tạo của nhóm. Nghiên cứu được thực hiện với mẫu là các thành viên thuộc nhóm sản xuất tại Thái Lan. Trong đó hai yếu tố tác động gián tiếp lên đổi mới sáng tạo cá nhân thông qua đổi mới sáng tạo ở cấp độ nhóm là quản trị kiến thức và văn hóa xây dựng nhóm. Hai yếu tố tác động trực tiếp lên đổi mới sáng tạo cá nhân là sự sáng tạo và khả năng lãnh đạo bản thân.
Kairisto-Mertanen & cộng sự (2012) nghiên cứu về một khía cạnh của đổi mới sáng tạo cá nhân, đó là sự đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực sư phạm. Đổi mới phương pháp sư phạm giới thiệu cách để phát triển các kỹ năng đổi mới sáng tạo của học sinh, sinh viên, nhấn mạnh sự tương tác giữa các tổ chức giáo dục, học sinh sinh viên và đời sống xã hội xung quanh. Các tác giả nhấn mạnh đổi mới sư phạm nhằm mục đích phát triển năng lực đổi mới sáng tạo của học sinh sinh viên và đề cập đến các kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết để các hoạt động đổi mới sáng tạo diễn ra thành công. Các phương pháp sư phạm khác nhau sẽ góp phần phát triển sự tương tác các cá nhân (interpersonal) và sự kết nối (networking).
Bozic (2017) đóng góp vào sự hiểu biết về năng lực đổi mới của cá nhân bằng cách cung cấp một cái nhìn toàn diện về khái niệm, tích hợp các lý thuyết khác nhau từ sự đổi mới quản lý thành một mô hình và liên kết nó với lý thuyết từ các nghiên cứu về năng lực, trong đó mô hình năng lực của Illeris (2013) được lấy làm cơ sở. Tác giả đã nghiên cứu 3 chiều của đổi mới sáng tạo là: giao tiếp nội tâm, khả năng thông tin và khả năng xã hội. Mô hình này có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau, cả trong giảng dạy và tổ chức. Giáo viên có thể sử dụng nó như một công cụ phản ánh để tăng cường hiểu biết về năng lực đổi mới ở học sinh, mà còn là cơ sở để phát triển chương trình giảng dạy dựa trên thực hành để tăng cường năng lực giữa các học sinh. Các tổ chức có thể sử dụng mô hình này như một sự hỗ trợ trong việc tuyển dụng tài năng sáng tạo, đánh giá và phát triển đổi mới như một năng lực cốt lõi giữa nhân viên và khi thành lập các nhóm đổi mới.
Matejun (2017) đã tập trung nghiên cứu các yếu tố phát triển năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên trong môi trường học thuật của một trường đại học được lựa chọn ở Ba Lan. Nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ phiên bản thứ 2 của dự án nghiên cứu quốc tế khảo sát về tinh thần doanh nhân của các trường đại học toàn cầu (GUESSS) trên mẫu 1.597 sinh viên của Đại học Công nghệ Lodz University, Ba Lan. Kết quả chỉ ra rằng mức độ năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên bị ảnh hưởng mạnh bởi cấp bậc các lớp học khởi nghiệp và sự hỗ trợ của bạn bè trong trường đại học đối với các sáng kiến kinh doanh và đổi mới được thực hiện. Những người có năng lực ở mức cao nhất thường có những kế hoạch chuyên nghiệp và hơn một nửa trong số họ dự định thực hiện các ý tưởng đổi mới của mình trong công ty của chính họ, được thành lập sau khi tích lũy kinh nghiệm làm nhân viên của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và lớn. Bên cạnh đó, nghiên cứu đã chỉ ra 3 nhóm nhân tố ảnh hưởng đến năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên gồm: nhận thức, cảm xúc và xã hội.
Lukeš & Stephan (2017) đã thực hiện nghiên cứu tại các nước Cộng hòa Séc, Thụy Sĩ, Đức và Ý (với mẫu nghiên cứu gồm 2812 nhân viên và 450 doanh nhân), nhằm mục đích phát triển một mô hình về hành vi đổi mới sáng tạo của nhân viên. Trong nghiên cứu này, hành vi đổi mới sáng tạo của nhân viên được coi như một nền tảng vi mô của các mối quan hệ nội bộ trong doanh nghiệp, được ảnh hưởng bởi các yếu tố như hoạt động quản lý, hoạt động tổ chức và văn hóa. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng hành vi đổi mới sáng tạo của nhân viên bao gồm: tạo ra ý tưởng, tìm kiếm ý tưởng, truyền đạt ý tưởng, triển khai các hoạt động lần đầu, liên kết tới các hoạt động khác và vượt qua các vấn đề trở ngại.