Chất lượng lao động của trí thức giáo dục đại học: khâu quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực
Có thể xem hiệu quả lao động của trí thức giáo dục đại học được biểu hiện rõ nét nhất trong chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là việc phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề và cán bộ khoa học, công nghệ đầu đàn. Đây là sản phẩm trực tiếp nhất của lao động sư phạm ở bậc đại học. Điều này, về mặt khách quan đã tạo lập mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa chiến lược phát triển nguồn nhân lực của quốc gia với vấn đề nâng cao chất lượng lao những đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động đối với nguồn nhân lực trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, Đảng ta đã khẳng định: “Đổi mới giáo dục và đào tạo phải theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Chủ trương nêu trên thể hiện rõ ràng sự đổi mới tư duy bám sát thực tiễn của Đảng ta trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Nền giáo dục hiện đại không chỉ chú trọng đào tạo nhân lực mà còn phải chú trọng phát triển đỉnh tháp dân trí, đào tạo nên những tinh hoa trí tuệ của xã hội. Thật khó có thể hình dung được khả năng đáp ứng yêu cầu nêu trên của giáo dục đại học nếu chất lượng lao động của đội ngũ nhà giáo Đại học không được quan tâm đúng mức. Hơn nữa, chính việc nâng cao chất lượng lao động của đội ngũ trí thức giáo dục đại học cũng có ý nghĩa trực tiếp trong giải phóng con người, phát triển nguồn nhân lực. Mặt khác, nâng cao chất lượng lao động của trí thức nhà giáo không thể không liên quan đến việc cách mạng hóa tất cả các khâu, các yếu tố của giáo dục đại học.
Đại hội XI cũng đã phân tích làm sáng tỏ những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng được Đảng ta nhấn mạnh: “Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội. Xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng”.
Với vai trò tiên phong và vị trí chủ đạo của trí thức giáo dục đại học trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho quốc gia, có thể xác định rằng, nâng cao chất lượng lao động của trí thức giáo dục đại học là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực trên tinh thần đổi mới tư duy mà Đại hội XI của Đảng khẳng định.
Để nâng cao chất lượng lao động của trí thức giáo dục đại học cần thiết phải bắt đầu từ một quan niệm mới về lao động và chất lượng lao động của đội ngũ này trong hoạt động nghề nghiệp.
Tiếp cận khái niệm lao động của trí thức giáo dục đại học trên bình diện chung nhất, có thể xem đó là toàn bộ hoạt động có mục đích của nhà giáo ở bậc đại học góp phần phát triển và hoàn thiện nhân cách người học. Lao động của trí thức giáo dục đại học cần được xác định là một công việc có tính nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp cao, tính chuyên môn hóa sâu.
Đó là lao động trí óc sáng tạo cao, kết hợp làm một giữa lao động sư phạm với lao động nghiên cứu khoa học. Nhà giáo Đại học phải đồng thời là nhà khoa học. Mặt khác, nó cũng biểu hiện như một giá trị. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực sẽ là thước đo hiệu quả và giá trị lao động cũng như mức độ đóng góp của trí thức giáo dục đại học vào chiến lược phát triển con người.
Chất lượng lao động của trí thức giáo dục đại học được biểu hiện cụ thể ở nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học của từng nhà giáo và toàn đội ngũ. Lẽ dĩ nhiên, điều này phải được chứng thực bởi năng lực và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ trí thức giáo dục đại học. Hơn hết, nó gắn với thái độ lao động tích cực, tự giác, sáng tạo được thúc đẩy bởi lòng yêu người, yêu nghề được xem như hệ giá trị của nhân cách nhà giáo – một trong những yếu tố không thể thiếu và giữ vị trí quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp. Bởi vậy, bản thân nhà giáo cũng cần được giáo dục một cách toàn diện về tri thức, đạo đức, lối sống. Tư tưởng học suốt đời, giáo dục liên tục và xây dựng xã hội học tập theo quan điểm của Đảng ta đã hàm chứa triết lý sâu xa ấy.
Động lực cơ bản để nâng cao chất lượng lao động của đội ngũ trí thức giáo dục đại học là vấn đề cần quan tâm trong điều kiện hiện nay. Cơ chế thị trường đang chi phối đời sống, ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy và trực tiếp tác động đến thái độ lao động của từng nhà giáo. Chúng ta không phủ nhận, càng không lảng tránh vấn đề lợi ích vật chất, tinh thần ở các giải pháp nâng cao chất lượng lao động của đội ngũ trí thức giáo dục đại học trong điều kiện thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, sẽ là phiến diện nếu nghĩ rằng chỉ cần có nguồn kinh phí thích đáng, có cơ sở vật chất tốt, có đủ đội ngũ cán bộ giảng dạy và quản lý là dễ dàng cải biến chất lượng lao động của trí thức giáo dục đại học.
Những điều kiện nêu trên là rất cần thiết, không thể thiếu và có ý nghĩa giải quyết trực tiếp vấn đề đang đặt ra. Song, để tạo được sự chuyển biến thực sự tích cực, rõ nét trong chất lượng lao động của đội ngũ trí thức giáo dục đại học hiện nay, điều mấu chốt và cơ bản nhất lại nằm ở thái độ và trách nhiệm lao động của mỗi chủ thể trí thức giáo dục đại học.Yếu tố đầu tiên tác động đến tính tích cực, tự giác lao động của trí thức giáo dục đại học có thể nói tới sự giải phóng tư tưởng không chỉ của bản thân nhà giáo mà còn là của toàn xã hội đối với các giá trị thuộc về giáo dục, thái độ trân trọng các sản phẩm của quá trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và những người lao động làm ra sản phẩm đó.
Mặt khác, phải có cơ chế dân chủ đảm bảo cho đời sống học thuật được phát triển lành mạnh, nuôi dưỡng nhiệt tình nghiên cứu và sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học giáo dục, đặc biệt là trí thức giáo dục Đại học. Càng ở trình độ cao về khoa học càng phải chú trọng tính dân chủ trong hoạt động giảng dạy cũng như trong nghiên cứu. Theo đó, “tinh thần, trách nhiệm công dân, quyền sáng tạo khoa học của nhà giáo phải được thực hiện bằng sự thống nhất của khoa học, đạo đức và luật pháp”.
Hơn nữa, cũng cần nhấn mạnh rằng, cơ chế đánh giá chất lượng lao động của trí thức giáo dục đại học có ý nghĩa đặc biệt cần thiết. Lĩnh vực giáo dục hơn bao giờ hết cần đến “sự sàng lọc, thải loại những sản phẩm hỏng, thứ cấp, tầm thường trong khoa học và những gì kìm hãm nó, đồng thời phát hiện, sử dụng tài năng với những đãi ngộ cần thiết đảm bảo cho họ sáng tạo”, cống hiến hết mình vì sự phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thực hiện đồng bộ các định hướng giải pháp nêu trên là cần thiết trong quá trình vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Đảng vào việc tìm tòi, xác định những giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng lao động của trí thức giáo dục đại học ở nước ta. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa thiết thực nhằm đưa Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn sinh động của đời sống xã hội và góp phần cụ thể hóa chiến lược phát huy nhân tố con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Vấn đề phát triển nhân tố người lao động trong lực lượng sản xuất