Khoa học xã hội trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Khoa học và thực tiễn đã xác nhận rằng, lịch sử nhân loại bắt đầu từ đâu thì dấu ấn của khoa học xã hội cũng được khắc ghi đến đó. Ngay từ cổ đại, các nhà khoa học Hy Lạp- La Mã đã hướng trí tuệ của mình vào thế giới hiện thực để khám phá những quy luật của tự nhiên và xã hội, sáng tạo ra những thành tựu để phục vụ đời sống con người.
Còn các nhà khoa học cổ đại Ấn Độ, Trung Quốc thì tập trung sức mạnh của tư duy khám phá “bí ẩn” của đời sống xã hội và thế giới nội tâm con người để tìm ra “phép trị nước” và con đường giải thoát con người ra khỏi nỗi trần ai khổ cực. Kể từ đó, khoa học xã hội luôn gắn liền với sản xuất và đời sống của con người. Có thể nói rằng: cùng với khoa học tự nhiên và kỹ thuật, khoa học xã hội ngày càng thể hiện rõ vai trò của mình trong đời sống và trở thành động lực phát triển kinh tế- xã hội.
Ở Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của dân tộc, khoa học xã hội luôn phản ánh đời sống sản xuất và gắn với cuộc đấu tranh chống ngoại xâm giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Đặc biệt là, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa học xã hội nước ta có sức mạnh mới với định hướng phát triển đúng đắn và phương pháp hoạt động sáng tạo; từ đó phát huy được sức mạnh tổng hợp phục vụ có hiệu quả hơn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của cả dân tộc.
Tuy nhiên, trước thời kỳ đổi mới, do nhiều nguyên nhân nên khoa học xã hội nước ta còn có những hạn chế:
- Một là, lực lượng cán bộ nghiên cứu vừa thiếu, vừa không đồng bộ, nhất là về cơ cấu ngành nghề và chất lượng chưa cao;
- Hai là, những nghiên cứu lý luận thường mới dừng lại ở trình độ giải thích và chứng minh cho những khái niệm, nguyên lý, luận điểm có sẵn trong sách vở và coi đó là những “chân lý bất biến” có trước làm điểm xuất phát cho việc nghiên cứu và làm “thước đo” để đánh giá thực tiễn(1). Những chương trình “nghiên cứu thực tiễn” chỉ tập trung vào việc (mặc dù đây là việc cần thiết) thuyết minh cho đường lối, chính sách. Còn việc nghiên cứu thực tiễn để xác lập những luận cứ khoa học làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối, chính sách và tìm ra những giải pháp khả thi để biến chúng thành hiện thực thì chưa được chú ý đúng mức.
Một phong cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu khoa học như vậy có cơ sở nhất định, song nó đã bộc lộ những khiếm khuyết: đó là căn bệnh “tầm chương trích cú” vốn là sản phẩm của tư duy siêu hình và chủ nghĩa giáo điều, không chú ý đến thực tiễn sống động của hiện thực, những nghiên cứu tổng kết thực tiễn để khái quát thành những luận điểm khoa học. Và, hậu quả tất yếu là đã làm lu mờ chức năng xác lập luận cứ khoa học, chức năng phản biện xã hội, chức năng cải tạo hiện thực và chức năng dự báo của khoa học xã hội.
Với đường lối đổi mới toàn diện đất nước hơn 20 năm qua, khoa học xã hội đã có bước phát triển về chất: từ việc đào tạo lực lượng cán bộ, xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, xác định nội dung nghiên cứu của từng thời kỳ đến việc đổi mới phong cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu. Chính vì vậy, “Khoa học Xã hội nước ta đã góp phần xứng đáng trên một số lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, đấu tranh với cái lỗi thời, ủng hộ cái mới, chống lại âm mưu của kẻ thù, bảo vệ đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực vào việc giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”(2).
Bước vào thập niên đầu của thế kỷ XXI- Thế kỷ “sẽ tiếp tục có nhiều biến đổi: Khoa học và Công nghệ sẽ có bước tiến nhảy vọt. Kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất. Toàn cầu hóa kinh tế là một xu thế khách quan… chứa đựng nhiều mâu thuẫn, vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác vừa có đấu tranh”(3).
Trong bối cảnh này, đất nước ta phải đối mặt với nhiều thách thức; bốn nguy cơ mà Đảng ta đã từng chỉ rõ vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp; tình trạng tham nhũng và sự suy thoái của một bộ phận cán bộ Đảng viên đang là “chướng ngại vật” trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa; “nước ta vẫn còn là nước kinh tế kém phát triển, mức sống nhân dân còn thấp, trong khi đó cuộc cạnh tranh quốc tế ngày càng quyết liệt, nếu chúng ta không nhanh chóng vươn lên thì sẽ càng tụt hậu xa hơn về kinh tế”(4).
Trong bối cảnh nói trên, rõ ràng là khoa học xã hội sẽ có những điều kiện thuận lợi và cơ hội lớn để phát triển; đồng thời nó cũng đứng trước những nguy cơ và thách thức to lớn. Ở đây, điều đặc biệt quan trọng là phải nhạy bén “nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ mới”. Để góp phần triển khai công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội, Khoa học Xã hội cần tập trung trí tuệ vào việc “giải đáp các vấn đề lý luận và thực tiễn, dự báo xu thế phát triển, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối chủ trương, chính sách phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng con người, phát huy những di sản văn hóa dân tộc, sáng tạo những giá trị văn hóa mới của Việt Nam”(6).
Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ: “Phát triển khoa học xã hội, tiếp tục góp phần làm sáng tỏ những nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, giải đáp những vấn đề mới của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bước đi công nghiệp hóa, hiện đại hóa; những nguyên tắc, nội dung cơ bản của phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phát triển con người; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn mới…”(7).
Như vậy, Nghị quyết Đại hội IX và Đại hội X của Đảng đã xác định nhiệm vụ chiến lược của Khoa học Xã hội trong những năm tới cho cả nước. Ở đây, một số vấn đề cấp bách được đặt ra là làm gì và làm thế nào để “biến” nhiệm vụ chiến lược này thành đời sống hiện thực để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thực hiện điều này, trước hết cần phải cụ thể hóa nhiệm vụ nói trên thành những chương trình, nội dung nghiên cứu cụ thể đáp ứng được đặc điểm và nhu cầu phát triển của từng vùng, từng địa phương.