Bối cảnh gắn mác thao túng tiền tệ của Việt Nam
Khái niệm “quốc gia thao túng tiền tệ” được Hoa Kỳ lần đầu thể chế hóa thành một nội dung trong Luật Cạnh tranh và Thương mại quốc tế Omnibus (Omnibus Foreign Trade and Competitiveness Act) vào năm 1988. Năm 2015, dưới thời Tổng thống Obama, Luật Xúc tiến và Tăng cường Thương mại (Trade Facilitation and Trade Enforcement Act) được ban hành, bao gồm những yêu cầu về bảo hộ mậu dịch và chính sách thương mại với mục tiêu tổng quát là đảm bảo môi trường thương mại bình đẳng và cạnh tranh tại Hoa Kỳ. Đây là 2 Đạo luật xác định vai trò của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đối với việc giám sát vấn đề thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại. Theo đó, Bộ Tài chính cần giám sát chính sách tiền tệ của các đối tác thương mại với Hoa Kỳ nhằm xem xét “liệu các quốc gia có thao túng tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền của họ và đồng đô la Mỹ nhằm mục đích ngăn cản điều chỉnh cán cân thanh toán phù hợp hoặc nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế hay không?”
Theo quy định của Đạo luật Xúc tiến và Tăng cường Thương mại, Bộ Tài chính Hoa Kỳ thực hiện báo cáo định kỳ về chính sách tỷ giá và kinh tế đối ngoại của các đối tác thương mại lớn. Báo cáo này đánh giá dựa trên ba tiêu chí, bao gồm:
- Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD;
- Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP;
- Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trong khoảng thời gian 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng trong 12 tháng tương đương ít nhất 2% GDP.
Khi một quốc gia thỏa mãn hai trong ba tiêu chí sẽ được đưa vào danh sách theo dõi, thỏa mãn cả ba tiêu chí thì được đưa vào danh sách “thao túng tiền tệ”. Cho đến thời điểm hiện nay, Hoa Kỳ đã dựa trên báo cáo đơn phương của mình gắn mác “thao túng tiền tệ” cho Hàn Quốc vào năm 1988, Đài Loan lần thứ nhất cũng vào năm 1988 và lần tiếp theo vào năm 1992, Trung Quốc trong 3 năm liên tiếp từ năm 1992 đến 1994, Ấn Độ năm 2017. Đặc biệt là tháng 8 năm 2019, Trung Quốc bị gắn mác “thao túng tiền tệ” nhưng không xuất phát từ bất kỳ báo cáo nào. Khi kỳ báo cáo tháng 1 năm 2020 được công bố, Trung Quốc không vi phạm đủ ba tiêu chí kể trên và vì vậy mác “thao túng tiền tệ” cũng được gỡ bỏ.
Trong báo cáo của Bộ Tài chính Hoa Kỳ được công bố vào ngày 16/12/2020 với tiêu đề “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” (U.S. Department of the Treasury, 2021), Hoa Kỳ đã đưa ra quan điểm Việt Nam và Thụy Sĩ là những quốc gia “thao túng tiền tệ”.
Đối với trường hợp Việt Nam, nhận định này của Bộ Tài chính Hoa Kỳ được xuất phát từ:
- Thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam với Hoa Kỳ đạt 58 tỷ đô la trong 4 quý tính tới tháng 6 năm 2020;
- Thặng dư tài khoản vãng lai trong kỳ tăng lên mức 4,6% GDP, so với 1,7% trong giai đoạn trước; và
- Mua ròng ngoại hối trong 4 quý tính đến tháng 6 năm 2020 là 16,8 tỷ đôla, tương đương 5,1% GDP, so với 0,8% GDP trong giai đoạn trước đó.
Một số tiêu chí về cáo buộc thao túng tiền tệ đối với Việt Nam
Tiêu chí liên quan đến can thiệp ngoại tệ
Tiêu chí thặng dư thương mại và tài khoản vãng lai
Những tác động và giải pháp cho Việt Nam
Từ những phân tích ở trên có thể cho thấy, nhận định của Bộ Tài chính Hoa Kỳ về hành vi thao túng tiền tệ của Việt Nam không có cơ sở thực sự từ góc độ chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ sẽ có tác động nhất định tới chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới. Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt hơn và cẩn trọng hơn trong việc mua ròng ngoại tệ liên tục với số lượng lớn. Ngân hàng Nhà nước cũng có thể xem xét điều chỉnh cơ cấu dự trữ quốc tế như ổn định hoặc giảm dự trữ bằng đồng USD và cần tăng dự trữ bằng các ngoại tệ khác như: đồng Euro, Nhân dân tệ, Yên Nhật, SDR, vàng hoặc đồng tiền của các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam… nhằm tránh bị coi là can thiệp thị trường tiền tệ quá ngưỡng với đồng USD. Cơ cấu dự trữ quốc tế này có thể điều chỉnh linh hoạt khi cần thiết để đáp ứng yêu cầu dự trữ, ổn định tiền tệ, bảo đảm cần bằng kinh tế vĩ mô.
Như vậy, bản chất của vấn đề khi Hoa Kỳ đưa ra cáo buộc về thao túng tiền tệ đối với Việt Nam là do Việt Nam được hưởng lợi lớn từ quan hệ thương mại song phương với Hoa Kỳ. Giải pháp của chúng ta là làm thế nào để mối quan hệ này trở thành hai bên cùng có lợi. Một số biện pháp có thể hướng đến là:
Trước hết, Việt Nam cần chủ động cung cấp thông tin giải trình, khách quan, chi tiết và minh bạch để Hoa Kỳ hiểu đầy dủ và đúng đắn hơn về chính sách tỷ giá và thực tế kinh tế của Việt Nam. Việt Nam cũng cần có cơ chế cảnh báo thường xuyên và chủ động về các cáo buộc tiền tệ để tránh tình trạng thụ động trước tình huống bất ngờ. Chính phủ cần xây dựng bộ phận theo dõi và cảnh báo sớm trước các cáo buộc về thao túng tiền tệ với đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý chuyên ngành cùng với sự phối hợp quốc tế.
Trong ngắn hạn, Việt Nam có thể tìm cách nhập khẩu thêm hàng hóa của Hoa Kỳ cũng như giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có thế mạnh của Hoa Kỳ để phần nào giúp cân bằng hơn cán cân thương mại giữa hai nước. Các thế mạnh xuất khẩu của Hoa Kỳ có thể kể đến như máy móc, thiết bị điện tử, hàng không, sợi cotton, nhựa, thiết bị y tế, đậu tương, dịch vụ tài chính, thịt gia cầm. Trong số các mặt hàng này, Việt Nam hiện nay nhập khẩu nhiều từ Hoa Kỳ máy móc điện tử, máy bay và phụ tùng, nhựa, các sản phẩm nông nghiệp như sợi cotton, đậu tương, các sản phẩm từ sữa. Việt Nam hoàn toàn có thể tăng giá trị nhập khẩu các mặt hàng hiện tại, và mở rộng các lĩnh vực mà Hoa Kỳ muốn đẩy mạnh xuất khẩu như năng lượng, dịch vụ tài chính bảo hiểm.
Trong trung và dài hạn, Việt Nam và Hoa Kỳ có thể tìm kiếm một thỏa thuận thương mại song phương hoặc đa phương mà hai nước là thành viên để tạo nền tảng cho hoạt động thương mại bình đẳng và bền vững. Việt Nam cũng nên khuyến khích các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu sản xuất và xuất khẩu đi Hoa Kỳ bằng chính công nghệ và nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Hoa Kỳ, gắn với xây dựng chuỗi cung ứng khép kín tạo ra hiệu quả chắc chắn cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.