Quyền sở hữu trí tuệ là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của quốc gia trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và toàn cầu hóa. Tuy nhiên, mức độ bảo hộ quá cao hay quá thấp đều gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế. Chính vì thế, mỗi quốc gia cần thiết lập một cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ riêng, vừa phù hợp với trình độ phát triển và ưu tiên quốc gia vừa đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ quốc tế.
Cũng vì những tác động hai mặt như trên, mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đang là chủ đề gây nhiều tranh cãi giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển (Papageorgiadis & cộng sự, 2014; Alexiou & cộng sự, 2016). Những tranh cãi này được thể hiện trong quá trình đàm phán các hiệp định song phương và đa phương như vòng đàm phán phát triển Doha, Hiệp ước chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT), Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) và các hiệp định khác.
Các quốc gia tạo ra tài sản trí tuệ (thường là các quốc gia phát triển) luôn có xu hướng nâng cao mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm đảm bảo lợi ích cho các chủ thể quyền. Tuy nhiên, vấn đề này ở các quốc gia đang phát triển lại phức tạp hơn. Các quốc gia này, một mặt, có xu hướng hạ thấp mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để có thể phát triển công nghệ trong nước với một mức chi phí thấp, mặt khác, cũng cần nâng cao mức độ bảo hộ nhằm mục đích khuyến khích hoạt động sáng tạo nội địa và thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài.
Do đó, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại các quốc gia đang phát triển thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu hơn. Nhằm tìm ra biện pháp điều chỉnh và tối ưu hóa quyền sở hữu trí tuệ, nhiều học giả đã nghiên cứu và tìm các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Lerner (2002) nghiên cứu mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại 60 quốc gia trên thế giới trong khoảng thời gian 150 năm và tìm ra các yếu tố đó bao gồm trình độ phát triển, tình hình chính trị, nguồn gốc luật thương mại. Đối với các quốc gia đang phát triển, nhiều nhà nghiên cứu đồng ý rằng thu nhập bình quân đầu người, mức độ đầu tư cho R&D, tỉ lệ nhập học bậc trung học phổ thông, tự do thị trường, độ mở cửa là các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (Papageorgiadis & cộng sự, 2019; Ginarte & Park, 1997; Chen & Puttitanun, 2005).
Trong khi đó, châu Á là khu vực kinh tế mới nổi với điều kiện, tình hình phát triển đặc thù và nhiều vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Nhiều quốc gia trong khu vực này chưa tham gia các hiệp định quốc tế về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, có cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ khá lỏng lẻo (Benko, 1987; Endeshaw, 2005; Vu, 2011) và tỷ lệ xâm phạm bản quyền cao nhất thế giới (Deng & cộng sự, 1996; Báo cáo đặc biệt 301 Hoa Kỳ). Do đó, nghiên cứu này tập trung khám phá các yếu tố tác động đến mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại các quốc gia đang phát triển ở châu Á. Nghiên cứu này kiểm chứng kết quả của Chen & Puttatinun (2005) trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế tại các quốc gia đang phát triển ở châu Á, từ đó cung cấp một cơ sở lý thuyết cập nhật hơn cho chính phủ và các nhà hoạch định chính sách trong việc tối ưu hóa mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Cơ sở lý thuyết quyền sở hữu trí tuệ
- Sở hữu trí tuệ là gì?
- Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
- Các giả thuyết nghiên cứu ảnh hưởng đến mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Tác động của vốn trí tuệ đối với hoạt động của doanh nghiệp
Sở hữu trí tuệ được định nghĩa là kết quả hoạt động sáng tạo của con người, tồn tại dưới dạng tri thức, do cá nhân hoặc tổ chức nắm giữ, có khả năng ứng dụng và tạo ra giá trị từ việc sử dụng tri thức đó, dù được pháp luật bảo hộ hay chỉ có tính hữu ích thông thường. Một tài sản trí tuệ nếu thỏa mãn các điều kiện bảo hộ pháp lý cụ thể theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ sẽ trở thành các đối tượng sở hữu trí tuệ như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, quyền tác giả. Quyền hợp pháp với các đối tượng sở hữu trí tuệ là các quyền sở hữu trí tuệ (World Intellectual Property Organization, 2004)
Những nghiên cứu đầu tiên đo lường mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các quốc gia được tiến hành dựa trên phương pháp khảo sát (Ferrantino, 1993) hoặc biến giả (tiêu chí là có hoặc không có) (Bosworth, 1980; Rapp & Rozek, 1990). Bộ chỉ số GP (Park & Ginarte, 1997; Park, 2008) là bộ chỉ số đánh giá mức độ bảo hộ sở hữu trí tuệ đầu tiên dựa trên năm nội dung theo luật sáng chế của các quốc gia, bao gồm (1) phạm vi bảo hộ (coverage), (2) sự tham gia vào các thỏa thuận sáng chế quốc tế (membership in international agreements); (3) thời hạn bảo hộ (duration), (4) hạn chế quyền (loss of protection), (5) thực thi (enforcement). Đây là một trong những bộ chỉ số đánh giá mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng nhiều nhất trong các nghiên cứu sau này.
Tăng trưởng kinh tế
Một số nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ tích cực giữa mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và tăng trưởng kinh tế (Gould & Gruben, 1996; Braga & Willmore, 1991; Rivera-Batiz & Romer, 1991; Ginarte & Park, 1997; Papageorgiadis & cộng sự, 2019). Chen & Puttitanun (2005) cho rằng thu nhập bình quân đầu người, chỉ sau khi vượt qua ngưỡng 854,06 USD (USD năm 1995) mới có tác động tăng mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết sau:
H1: GDPCAP có tác động cùng chiều tới IPR
Giáo dục
Theo Ngân hàng thế giới (World Bank), giáo dục là quyền của con người và là một trong những công cụ mạnh nhất để giảm nghèo và cải thiện sức khỏe, bình đẳng giới, hòa bình và ổn định (World Bank, 2013). Phần lớn nghiên cứu có cùng kết luận rằng các quốc gia có trình độ giáo dục cao có xu hướng xem trọng kiến thức và quyền sở hữu trí tuệ hơn (Nelson & Phelps, 1966, Chen & Puttitanun, 2005; Marron & Steel, 2000, Depken & Simmons, 2004; Maskus, 2000; Shadlen & cộng sự 2005). Ginarte & Park (1970) và Scalise (1997) cho rằng giáo dục làm tăng nhu cầu về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Do đó, nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết sau:
H2: EDU có tác động cùng chiều tới IPR
Tự do kinh tế
Tự do kinh tế là tập hợp các yếu tố thể hiện mức độ một nền kinh tế gần với kinh tế thị trường, tức là mức độ tự do giao kết hợp đồng trong khuôn khổ pháp luật ổn định, rõ ràng, bảo vệ hợp đồng và quyền sở hữu cá nhân mà không bị cản trở bởi quyền sở hữu chính phủ, các quy định và thuế (Berggren, 2003).
Hiện nay, số lượng nghiên cứu khám phá ảnh hưởng của tự do kinh tế đến mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Bên cạnh đó, các nghiên cứu này lại dẫn đến nhiều kết quả không thống nhất. Chen & Puttitanun (2005) cho rằng tự do kinh tế không có tác động đến mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Papageorgiadis & cộng sự (2019) chứng minh rằng tự do kinh tế có ảnh hưởng tiêu cực đến mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Nghiên cứu của Ginarte & Park (1997) lại cho thấy tự do kinh tế chỉ có ảnh hưởng đến mức độ bảo hộ tại các quốc gia đang phát triển. Nghiên cứu này dự đoán EF và IPR có mối tương quan thuận chiều:
H3: EF có tác động cùng chiều tới IPR
Độ mở nền kinh tế
Theo World Bank, độ mở nền kinh tế được thể hiện thông qua tỷ lệ phần trăm của tổng xuất khẩu và nhập
khẩu so với GDP. Chen & Puttitanun (2005) cho rằng độ mở của nền kinh tế không có tác động đáng kể đến quyền sở hữu trí tuệ của các quốc gia. Papageorgiadis & cộng sự (2019) lại đưa ra quan điểm ngược lại. Giả thuyết của nhóm nghiên cứu là:
H4: TRADE có tác động cùng chiều tới IPR
WTO
WTO được dự đoán là có tác động tích cực đến mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ bởi các quốc gia thành viên của WTO phải ký Hiệp định TRIPS và nâng cao mức độ bảo hộ để thỏa mãn mức độ bảo hộ tối thiểu. Kết quả này đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu (Saggi, 2016; Chen & Puttatinun, 2005; Bond & Saggi, 2019). Do đó, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết:
H5: WTO có tác động cùng chiều tới IPR
Trong các nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại các quốc gia đang phát triển được đề cập ở trên, nghiên cứu của Chen và Puttatinun là một trong số nghiên cứu gần đây nhất, bao quát một khoảng thời gian dài và tập trung vào đối tượng các quốc gia đang phát triển. Bên cạnh đó, đây cũng là nghiên cứu có tầm ảnh hưởng khi được trích dẫn 667 lần trên website Googlescholar. Chính vì thế, nhóm tác giả quyết định ứng dụng mô hình của Chen và Puttatinun, tức là nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố tự do kinh tế, độ mở nền kinh tế, giáo dục, tăng trưởng kinh tế và sự gia nhập WTO đến mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tham khảo các kết quả nghiên cứu trước, nhóm tác giả đưa ra các giả thuyết như trên.
Kết luận:
Nghiên cứu dẫn đến kết luận rằng tăng trưởng kinh tế, gia nhập WTO và tự do kinh tế có tác động cùng chiều, trong khi các yếu tố độ mở của nền kinh tế và giáo dục tác động ngược chiều đến mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại các quốc gia đang phát triển tại châu Á trong giai đoạn 2006-2016.
Nhận thấy quyền sở hữu trí tuệ là một công cụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển chưa sử dụng hiệu quả (Idris, 2003), nhóm tác giả đưa ra một số khuyến nghị dành cho chính phủ và các nhà hoạch định chính sách nhằm tối ưu hóa quyền sở hữu trí tuệ tại các quốc gia đang phát triển ở khu vực châu Á.
Thứ nhất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để khuyến khích các hoạt động sáng tạo quốc gia và nâng cao mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, xây dựng chính sách tăng trưởng kinh tế phải phù hợp với hệ thống pháp luật, gắn liền với các mục tiêu phát triển về giáo dục, quy định của các tổ chức thế giới về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Sự hiệu quả của hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ liên quan chặt chẽ đến các vấn đề kinh tế xã hội khác (North, 1990).
Thứ hai, thay đổi chính sách giáo dục. Theo kết quả nghiên cứu, ở các quốc gia đang phát triển Châu Á, khi giáo dục tăng thì mức độ bảo hộ giảm. Điều này không có nghĩa là để tăng mức độ bảo hộ thì cần phải giảm tỉ lệ nhập học. Thay vào đó, các chính sách phải hướng tới mục tiêu phát triển chất lượng giáo dục gắn liền số lượng, kết hợp các nội dung nhằm nâng cao nhận thức về luật sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ, vai trò của tài sản trí tuệ thông qua: (1) nâng cao công tác giáo dục về sở hữu trí tuệ từ giảng viên đến sinh viên trong quá trình học tập, thi cử và nghiên cứu; (2) quy định nghiêm ngặt và xử lý sai phạm các hành vi cố tình vi phạm luật sở hữu trí tuệ; (3) xây dựng khung pháp lý chặt chẽ về hoạt động chuyển giao các công trình nghiên cứu.
Thứ ba, nâng cao tự do kinh tế. Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả tìm ra mối liên hệ tương quan cùng chiều giữa tự do kinh tế và mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, EF là một chỉ số phức tạp và việc xem xét EF như một biến duy nhất dễ dẫn đến những khuyến nghị chính sách không chính xác. Do đó, các quốc gia cần có sự nghiên cứu và điều chỉnh phù hợp với điều kiện tình hình riêng.
Do giới hạn về thời gian và nguồn lực, công trình nghiên cứu không thể tránh khỏi một số hạn chế. Hạn chế lớn nhất là nhóm tác giả sử dụng bộ chỉ số GP Index dù nhận thức được đây không phải một phương pháp đo lường hoàn hảo. Thứ nhất, do độ trễ của dữ liệu nên nghiên cứu chỉ bao quát được đến năm gần nhất là năm 2016. Thứ hai, bộ chỉ số GP được xây dựng dựa trên luật sáng chế mà bỏ qua các đối tượng khác như quyền tác giả, nhãn hiệu hay bí mật kinh doanh. Thứ ba, bộ chỉ số này chưa xem xét mức độ thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Trên thực tế, một số quốc gia có mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao nhưng hiệu quả thực thi tương đối thấp; Trung Quốc là một ví dụ (Yu, 2007). Chính vì thế, các nghiên cứu trong tương lai có thể xây dựng một bộ chỉ số toàn diện hơn để đánh giá quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm việc mở rộng đo lường các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ (quyền tác giả, nhãn hiệu hay bí mật kinh doanh) và đánh giá hiệu quả thực thi quyền.