Tham nhũng là một chủ đề thu hút không chỉ giới học giả tập trung nghiên cứu mà cả sự quan tâm của các nhà quản lý, tổ chức quốc tế tham gia phòng, chống tham nhũng (Jain, 2001). Tuy còn một số ý kiến trái chiều về tác động của tham nhũng nhưng giả thuyết tham nhũng hợp lý thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiện đã không còn phù hợp. Thay vào đó, tham nhũng gây ra nhiều biến dạng trong nền kinh tế (Burguet & cộng sự, 2018), và cản trở quá trình hiện đại hóa đất nước (Klitgaard, 1988). Chính vì vậy, phòng chống tham nhũng luôn là những ưu tiên của các quốc gia trên con đường phát triển.
Việt Nam là quốc gia tích cực, có nhiều sáng kiến và nỗ lực phòng chống tham nhũng. Hệ thống pháp luật phòng chống tham nhũng ngày càng được hoàn thiện nhằm thu hẹp khoảng tự do của chính sách, cải cách hành chính làm giảm sự tùy nghi của cán bộ công chức trong thực hiện công vụ, thực thi phòng chống xung đột lợi ích nhằm giảm tham nhũng dựa trên sự cấu kết giữa doanh nghiệp với công chức,… Dù vậy, kết quả phòng chống tham nhũng ở Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng, được phản ánh qua việc Chỉ số cảm nhận tham nhũng (do Tổ chức Minh bạch Quốc tế thực hiện) của Việt Nam vẫn đứng thứ 117/180 quốc gia tham gia xếp hạng (Transparency International, 2020).
Tuy tham nhũng là một chủ đề hàn lâm được quan tâm tại Việt Nam, nhưng hầu hết nghiên cứu trong những năm gần đây tập trung vào cấp độ doanh nghiệp nhằm tận dụng các số liệu khảo sát mới như Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và USAIDS thực hiện hoặc ở cấp độ cá nhận trong Khảo sát Hiệu quả Quản trị Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) do UNDP thực hiện.
Trên thế giới, tham nhũng đã và đang được nghiên cứu từ góc nhìn của cả kinh tế học, chính trị học, quản trị học và cả địa lý học. Không chỉ tập trung tìm hiểu tác động của tham nhũng lên nền kinh tế (Gray & Kaufmann, 1998; Leff, 1964; Mauro, 1995), nhiều nghiên cứu đã tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến tham nhũng (Bliss & di Tella, 1997; Iwasaki & Suzuki, 2012) cũng như các giải pháp và chiến lược chống tham nhũng (Ades & di Tella, 1997; Gregory, 2016; Quah, 2017). Kết quả thu được tuy còn một số điểm không thống nhất nhưng nhìn chung đều chỉ ra rằng tham nhũng gây hại cho nền kinh tế trong dài hạn và do đó, cần phải phòng chống tham nhũng. Mặc dù vậy, hầu hết các nghiên cứu đều ngầm định rằng tham nhũng tại một quốc gia không có ảnh hưởng quốc gia khác (Ortega & cộng sự, 2010). Cùng với sự phát triển của kinh tế lượng không gian, giả thuyết này bị nhiều học giả phê phán và mở ra một hướng nghiên cứu mới về tham nhũng, đó là sự phụ thuộc không gian của tham nhũng với những nghiên cứu tiên phong như (Becker & cộng sự, 2009).
Tại Việt Nam, ảnh hưởng của các nhóm lợi ích và những vụ án tham nhũng đặc biệt lớn như PMU 18 năm 2006 đã thử thách khả năng xử lý tham nhũng của Chính phủ (Tromme, 2016). Những sự kiện như vậy khiến cho phòng chống tham nhũng càng được quan tâm và nghiên cứu thuộc chủ đề này cũng ngày một phong phú. Bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi, tăng trưởng nhanh đi kèm với tham nhũng diễn biến phức tạp đòi hỏi những phương pháp mới mẻ và sáng tạo hơn trong đo lường tham nhũng. Việt Nam trở thành môi trường lý tưởng để thử nghiệm những phương pháp đo mới (Tromme, 2016), chẳng hạn như PCI, Chỉ số PAPI và Phong vũ biểu Tham nhũng Việt Nam (VCB). PCI được xây dựng từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp thường niên trong khi PAPI và VCB là dữ liệu về nhận thức và trải nghiệm của người dân đối với tham nhũng. Đây là các nguồn dữ liệu quan trọng, được thu thập từ những khảo sát có quy trình chặt chẽ và quy mô nhất tại Việt Nam hiện nay. Nhiều nghiên cứu gần đây về tham nhũng tại Việt Nam đã sử dụng các nguồn dữ liệu này.
Tuy nhiên, điều đó cũng dẫn đến một sự mất cân đối đáng chú ý khi hầu hết các công trình đều tập trung vào cấp độ doanh nghiệp. Những nghiên cứu nổi bật như Nguyen & cộng sự (2016) về chi phí và lợi ích mà doanh nghiệp có thể thu được khi tham gia vào hành vi tham nhũng; Malesky & cộng sự (2015) về chất lượng thể chế và đầu tư; Tuyen & cộng sự (2016) về tác động của tham nhũng tới năng suất và kết quả kinh doanh;… đều được tiến hành nghiên cứu cấp độ doanh nghiệp.
Sự phụ thuộc không gian của tham nhũng
Mọi sự vật, hiện tượng đều có sự phụ thuộc không gian với nhau, và càng ở gần nhau về địa lý thì sự phụ thuộc không gian càng lớn (Tobler, 1970). Dựa trên nghiên cứu của Tobler (1970), Goodchild (1992) định nghĩa sự phụ thuộc không gian là “xu hướng để các vị trí lân cận ảnh hưởng lẫn nhau và sở hữu các thuộc tính tương tự”. Sự “ảnh hưởng” mà Goodchild được quan sát thấy trong nhiều biến kinh tế xã hội, và khi nghiên cứu, vấn đề này cần được giải quyết thỏa đáng.
Sự phụ thuộc không gian của tham nhũng đang nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và quản lý thực tiễn trong những năm gần đây. Các công trình thường được nghiên cứu ở hai cấp độ: giữa các quốc gia hoặc giữa các địa phương trong cùng một quốc gia. Sự phụ thuộc không gian thường được giải thích qua 3 cơ chế, bao gồm:
- -Di chuyển con người (thể hiện qua tỷ suất di cư của địa phương) như nghiên cứu của Dimant & cộng sự (2015);
- -Di chuyển nguồn lực, thể hiện qua độ mở của nền kinh tế của địa phương. Độ mở của nền kinh tế cũng được một số nghiên cứu, chẳng hạn như Sandholtz & Gray (2003), chứng minh là yếu tố quan trọng tác động đến tham nhũng. Nền kinh tế càng hội nhập thì tham nhũng càng giảm (Sandholtz & Gray, 2003);
- -Di chuyển các nhân tố văn hóa, xã hội (thể hiện qua mức độ minh bạch và thiết chế pháp lý của địa phương) như nghiên cứu Becker & cộng sự (2009) và Dong & cộng sự (2012).
Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu thực nghiệm lại chưa có sự thống nhất. Có nghiên cứu xác định tồn tại sự phụ thuộc không gian của tham nhũng như Attila (2008), Goel & Nelson (2007), Quazi & cộng sự (2013); cũng có các nghiên cứu không phát hiện sự phụ thuộc không gian của tham nhũng (Donfouet & cộng sự, 2018). Ở cấp độ vùng/tỉnh trong một quốc gia các kết quả nghiên cứu cũng khá khác biệt. Chẳng hạn, Goel & Nelson (2007) phát hiện có sự phụ thuộc tham nhũng giữa các bang ở Mỹ. Kết quả tương tự cũng được phát hiện khi nghiên cứu các tỉnh của Tây Ban Nha (López-Valcárcel & cộng sự, 2017). Còn khi nghiên cứu ở Trung Quốc, Dong & cộng sự (2012) phát hiện có sự phụ thuộc không gian của tham nhũng nhưng tác động này tồn tại trong một số điều kiện có sự hợp tác nhất định – họ gọi đó là sự phụ thuộc tham nhũng có điều kiện.
Về tác động của sự phụ thuộc không gian, các kết quả cũng gây tranh cãi. Trong khi nhiều nghiên cứu như Attila (2008) và Becker & cộng sự (2009) cho rằng tham nhũng ở một quốc gia sẽ tăng lên nếu như tham nhũng trong toàn khu vực tăng thì O’Trakoun (2017) lại chỉ ra điều trái ngược: khi tham nhũng trong khu vực giảm thì tham nhũng nội địa lại tăng.
Kết quả phân tích cho thấy có sự phụ thuộc không gian của tham nhũng giữa các địa phương lân cận ở Việt Nam, tương đồng với các phát hiện của Goel & Nelson (2007) hay López-Valcárcel & cộng sự (2017). Điều này gây khó khăn cho công tác phòng chống tham nhũng khi các hoạt động chống tham nhũng được thực hiện trong khuôn khổ địa phương hay chưa quan tâm tới tính phụ thuộc của tham nhũng. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tỷ lệ xuất cư, luân chuyển hàng hóa và minh bạch có thể là những kênh giải thích sự phụ thuộc không gian của tham nhũng giữa các địa phương cấp tỉnh ở Việt Nam.
Trong bối cảnh ở Việt Nam, xuất cư thường là nhóm người di cư từ khu vực nông thôn – nơi có tham nhũng thấp, hoặc những người thất nghiệp không có khả năng chi trả cho tham nhũng – ra thành thị và khu vực công nghiệp. Kết quả là làm cho tham nhũng ở các tỉnh di cư đến giảm đi. Tương tự, luân chuyển hàng hóa của địa phương cũng không có tác động trực tiếp tới tham nhũng ở địa phương đó nhưng có tác động làm giảm tham nhũng ở các địa phương lân cận. Kết quả ước lượng này tương tự như phát hiện trong Treisman (2000) khi giao thương tăng lên thì tham nhũng giảm xuống.
Cải thiện chỉ số minh bạch tại một địa phương sẽ làm giảm tham nhũng tại địa phương đó nhưng lại khiến cho tham nhũng ở địa phương lân cận tăng lên. Kết quả này ngụ ý rằng các doanh nghiệp trong địa phương chủ yếu vẫn cạnh tranh bằng tham nhũng nên khi địa phương trở nên minh bạch hơn, các doanh nghiệp mất công cụ cạnh tranh (Nguyen & cộng sự, 2016). Chính vì vậy, các doanh nghiệp sẽ di chuyển sang các tỉnh/ địa phương lân cận để tiếp tục sử dụng tham nhũng như là một công cụ cạnh tranh, từ đó khiến tham nhũng ở các đại phương lân cận tăng lên. Phát hiện này tương đồng với kết quả nghiên cứu ở cấp độ quốc gia của O’Trakoun (2017).
Kết quả nghiên cứu thực nghiệm này làm cơ sở cho việc đề xuất chính sách phòng chống tham nhũng trong bối cảnh của Việt Nam. Thứ nhất, các địa phương lân cận cần phối hợp trong công tác phòng và chống tham nhũng. Tham những có sự phụ thuộc giữa các địa phương thông qua mối quan hệ không gian. Chính vì vậy, các địa phương không thể thành công trong việc chống tham nhũng độc lập hoặc thiếu gắn kết với các địa phương lân cận. Việc cần làm là xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng giữa các địa phương để giảm thiểu sự phụ thuộc không gian tham nhũng. Thứ hai, kiềm chế sự phụ thuộc tham nhũng giữa các địa phương thông qua các kênh tác động. Việc kiềm chế phụ thuộc không gian của tham nhũng nên chú ý tới khuyến khích di cư từ những nơi có tham nhũng thấp, thúc đẩy giao thương luận chuyển hàng hóa giữa các địa phương. Tuy nhiên, cải thiện minh bạch thì cần sự đồng bộ và phối hợp giữa các địa phương. Nếu thiếu sự đồng đồng bộ trong nâng cao minh bạch của các địa phương thì khó kiềm chế tham nhũng trong bối cảnh Việt Nam.