Tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam
Con người khai thác tự nhiên nhưng cũng dựa vào tự nhiên để tồn tại, do vậy việc khai thác phải nằm trong những giới hạn chấp nhận được. Vượt qua những ranh giới đó, nhân loại có thể phải nhận lại những tác động tiêu cực. Điển hình nhất đó chính là tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, thoái hóa đất, cạn kiệt tài nguyên và biến đổi khí hậu.
Bộ chỉ số dấu chân sinh thái (ecological footprint) được xây dựng để đo lường hai mặt cầu và cung của thế giới tự nhiên đối với hoạt động sống của con người. Về phía cầu, bộ chỉ số này đo lường những “tài sản sinh thái” (ecological assets) mà một nhóm dân cư cần phải có để sản xuất và tiêu thụ (như thực phẩm từ nông nghiệp, vật nuôi, cá sống trong tự nhiên, gỗ và các sản phẩm khác từ rừng nguyên sinh, hay không gian sống tối thiểu ở đô thị), và để hấp thụ những phế thải do hoạt động chung của con người tạo ra (như rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt, lượng khí thải CO2). Về phí cung, bộ chỉ số này đo lường năng lực (biocapacity) cung ứng các “tài sản sinh thái” của Chính Phủ/địa phương trên sáu lĩnh vực gồm: Đất cho trồng trọt, đất chăn thả vật nuôi, đất rừng phòng hộ, đất trồng cây xanh hấp thụ CO2, ngư trường đánh bắt cá và đất xây dựng nhà ở).
Nếu năng lực cung ứng “tài sản sinh thái” lớn hơn nhu cầu thì người ta gọi những quốc gia/vùng đó đang có “dự trữ sinh thái” (ecological reserve). Nhưng thật không may, sau một quá trình phát triển thì hầu hết các quốc gia đều rơi vào tình trạng “thâm hụt sinh thái” (ecological deficit). Điều này chưa thể khắc phục khi mà cuộc đua vì sự thịnh vượng của các quốc gia, đặc biệt là ở những quốc gia mới nổi vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại (Islam & cộng sự., 2013).
Do khai thác tự nhiên để phục vụ tăng trưởng kinh tế rất khó để dừng lại, nên việc tăng khả năng cung ứng “tài sản sinh thái” luôn gặp các hạn chế nhất định. Thay vào đó, các nhà quản lý và nghiên cứu kỳ vọng rằng cải thiện chất lượng vốn con người sẽ làm giảm nhu cầu “tài sản sinh thái”. Sự thay đổi trong nhận thức này sẽ giúp con người có những ứng xử hay chính sách thân thiện hơn với tự nhiên. Tuy nhiên, Kassouri và Altintas (2020) kết luận rằng tồn tại sự đánh đổi giữa vốn con người và “tài sản sinh thái”. Điều này hàm ý rằng việc cải thiện đồng thời cả hai yếu tố này trong cùng một chính sách của Chính Phủ là không khả thi. Ở Việt Nam, gần đây đã xảy ra một số “thảm họa” môi trường lớn, điều này “đánh thức” ý thức bảo vệ môi trường của cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, việc đô thị hóa cũng tạo ra áp lực lớn đối với “tài sản sinh thái”, nó đòi hỏi phải giải quyết được “bài toán” đáp ứng khối lượng lớn các nhu cầu cơ bản của rất đông người dân trong một diện tích nhỏ hẹp.
Tăng trưởng kinh tế và “tài sản sinh thái”
Tác động của vốn con người, tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ đô thị hóa đến “tài sản sinh thái” đã được nghiên cứu và xác nhận trong các nghiên cứu trước đây. Cụ thể, Charfeddine (2017) điều tra tác động của tăng trưởng kinh tế, tiêu thụ năng lượng và tỷ lệ đô thị hóa đến “tài sản sinh thái” của Qatar từ 1970 đến 2015. Kết quả thực nghiệm cho tỷ lệ đô thị hóa làm xấu đi chỉ số “tài sản sinh thái”, trong khi cả tiêu thụ điện và tăng trưởng kinh tế đều làm gia tăng chỉ số dấu chân carbon sinh thái (Ecological Carbon Footprint). Mrabet & Alsamara (2017) bổ sung thêm cho trường hợp của Qatar là hiệu ứng chữ U ngược theo dự đoán của Kuznets (1955) sẽ không tồn tại nếu chất lượng môi trường được đo lường bằng chỉ số lượng khí thải CO2 bình quân, nhưng lại có tồn tại nếu được đo lường bằng chỉ số “tài sản sinh thái”.
Tương tự nghiên cứu cho trường hợp kinh tế Trung Quốc, Zhaohua & cộng sự (2018) phát hiện ra rằng trong giai đoạn từ 1978 đến 2013 nhu cầu về “tài sản sinh thái” của người dân Trung Quốc tăng gấp ba lần, trong khi khả năng cung ứng thì tăng không đáng kể. Cụ thể, cả hai chỉ số nhu cầu và khả năng cung cấp “tài sản sinh thái” đều đạt đỉnh vào năm 1990, sau đó xấu dần đi. Điều này chứng tỏ sự phối hợp của “tài sản sinh thái” với tăng trưởng kinh tế chỉ tối ưu trong giai đoạn 1990, sau đó khoảng cách ngày càng giãn rộng ra theo chiều hướng tiêu cực. Hassan & cộng sự (2019) điều tra tác động của tăng trưởng kinh tế, vốn con người tới nhu cầu và khả năng cung ứng các “tài sản sinh thái” cho Pakistan trong giai đoạn 1970-2014. Kết quả thực nghiệm thu được từ phương pháp ARDL cho thấy tăng trưởng kinh tế, đa dạng tài nguyên thiên nhiên làm tăng nhu cầu về “tài sản sinh thái”, và có mối quan hệ nhân quả hai chiều giữa khả năng cung cấp và nhu cầu về “tài sản sinh thái”. Nghiên cứu khác của Aşıcı & Acar (2016) sử dụng dữ liệu bảng cho 116 quốc gia, từ 2004-2008 để điều tra việc phân phối lại “tài sản sinh thái” khi các quốc gia trở lên giàu có hơn đã phát hiện ra rằng việc nhập khẩu “tài sản sinh thái” có diễn ra nhưng chỉ mang tính chất đơn lẻ.
Lý giải cho tác động tăng trưởng kinh tế đối với “tài sản sinh thái”, nhiều nhà nghiên cứu thống nhất rằng hầu hết hoạt động sản xuất của con người đều dựa vào khai thác tự nhiên như: sử dụng các loại khoáng sản vào sản xuất công nghiệp (luyện kim, chế tạo máy móc thiết bị), đánh bắt ở đại dương, săn bắt động vật hoang dã, khai thác gỗ từ rừng để làm nhà cửa v.v… Bên cạnh đó việc tiêu thụ năng lượng như điện, xăng dầu, than đá cho hoạt động sản xuất, di chuyển và tiêu dùng hộ gia đình cũng là tác nhân tích cực làm giảm chất lượng môi trường. Thật không may, khi cuộc đua vì sự thịnh vượng luôn là ưu tiên hàng đầu trong các chính sách của Chính Phủ thì nhu cầu khai thác tự nhiên và phát thải các chất nguy hại vào tự nhiên vẫn luôn là “câu chuyện của tương lai” (Islam & cộng sự, 2013; Kazar & Kazar, 2019).
Vốn con người và “tài sản sinh thái”
Nhiều nhà quản lý và nghiên cứu kỳ vọng rằng khi chất lượng vốn con người được cải thiện thì nhận thức và hành động bảo vệ môi trường sống của con người cũng tốt lên. Verhofstadt & cộng sự (2016) phân tích toàn diện các thành phần của bộ chỉ số dấu chân sinh thái với cảm nhận về hạnh phúc của các hộ gia đình ở Bỉ. Những phát hiện của nghiên cứu là: (i) Không tìm thấy mối liên hệ giữa nhu cầu “tài sản sinh thái” với tình trạng sức khỏe; (ii) Việc chuyển đổi sang sử dụng các thực phẩm thân thiện với môi trường và không sử dụng điện để sưởi ấm trong các hộ gia đình giúp giảm nhu cầu “tài sản sinh thái” mà vẫn tăng được cảm nhận về hạnh phúc; (iii) Mối quan hệ xã hội tốt và môi trường sống ổn định làm gia tăng phúc lợi cho các hộ gia đình mà không hề tốn kém “tài sản sinh thái”.
Nghiên cứu cho các quốc gia G7 từ 1971 đến 2014, Zahoor & cộng sự. (2020) muốn khám phá tác động của tỷ lệ đô thị hóa và vốn con người đến nhu cầu “tài sản sinh thái”. Kết quả thực nghiệm cho thấy tỷ lệ đô thị hóa làm tăng nhu cầu “tài sản sinh thái” trong khi vốn con người lại làm giảm nhu cầu này. Kiểm định nhân quả cung cấp bằng chứng về tác động một chiều từ tỷ lệ đô thị hóa và vốn con người đến nhu cầu “tài sản sinh thái”. Sử dụng chỉ số phát triển con người HDI (human development index) cho 13 quốc gia thuộc Trung Đông và Bắc Phi làm đại diện cho biến vốn con người, Kassouri & Altintas (2020) kết luận rằng tồn tại sự đánh đổi giữa vốn con người và “tài sản sinh thái”. Tương tự, Zafar & cộng sự. (2019) điều tra mối quan hệ giữa tài nguyên thiên nhiên, vốn con người và đầu tư trực tiếp nước ngoài đến “tài sản sinh thái” cho kinh tế Mỹ từ 1970 đến 2015. Kết quả thực nghiệm từ phương pháp ARDL có xét đến khả năng tồn tại điểm gãy cấu trúc (structural breaks) cho thấy tăng trưởng kinh tế và tiêu thụ năng lượng có tác động tiêu cực đến “tài sản sinh thái” trong dài hạn, trong khi đó cả tài nguyên thiên nhiên, đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn con người đều hữu ích trong việc giảm loại nhu cầu này.
Đô thị hóa và “tài sản sinh thái”
Đô thị hóa có tương quan mạnh với nhu cầu “tài sản sinh thái” bởi việc tăng mật độ dân số làm phát sinh một lượng rất lớn nhu cầu thực phẩm, diện tích nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục và không gian xanh công cộng như công viên, quảng trường. Về tác động của tỷ lệ đô thị hóa đến ô nhiễm môi trường, Hossain (2011) nhấn mạnh rằng điều này là khác nhau giữa các quốc gia, có một số quốc gia tăng tỷ lệ đô thị hóa sẽ làm tăng lượng khí thải CO2, nhưng ở một số quốc gia thì lại làm giảm. Cụ thể, nghiên cứu của Zahoor & cộng sự. (2020) tìm được bằng chứng là tỷ lệ đô thị hóa làm tăng nhu cầu “tài sản sinh thái” ở các nước G7, trong khi nghiên cứu của Nathaniel & Khan (2020) lại không tìm được mối liên hệ giữa tỷ lệ đô thị hóa và “tài sản sinh thái” cho cả nhóm gồm 6 nước ASEAN hay từng quốc gia riêng biệt gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thailand, Việt Nam, ngoại trừ Singapore.
Nghiên cứu mối liên hệ giữa nhu cầu “tài sản sinh thái” với việc phát triển đô thị hóa, lấy thành phố Tây An của Trung Quốc làm điển cứu, Yang & Li (2019) phát hiện ra rằng trong giai đoạn từ 2005 đến 2016 thì biến CDI (được tính toán bằng chỉ số đô thị hóa chia cho nhu cầu “tài sản sinh thái” bình quân đầu người) thỏa mãn được quy luật hữu dụng biên giảm dần. Tức là tỷ lệ đô thị hóa sẽ tăng lên, sau đó giảm dần khi nhu cầu về “tài sản sinh thái” tăng. Đồng quan điểm với nghiên cứu của Yang & Li (2019), nghiên cứu của Su & cộng sự. (2018) cũng cho rằng đô thị hóa gia tăng áp lực lớn đối việc cung cấp nước sạch tại các thành phố của Trung Quốc. Cụ thể, năm 2015 năng lực cung cấp nước sạch của chính quyền địa phương chỉ đạt 54,46% ở Bắc Kinh; 82,61% ở Thượng Hải; 75,04% ở Thiên Tân và 80,03% ở Trùng Khánh. Bên cạnh đó, giao thông đông đúc, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt của các chung cư, rác thải y tế ở các bệnh viện hay nhu cầu về các tiện ích phục vụ cho đời sống hàng ngày đòi hỏi nguồn cung ứng lớn từ các loại gỗ trong tự nhiên, cá ở đại dương, đất ở tại đô thị hay không gian xanh để hấp thụ các chất độc hại.
Theo tìm hiểu của nhóm tác giả, những nghiên cứu sử dụng chỉ số nhu cầu “tài sản sinh thái” cho trường hợp Việt Nam là “vắng bóng”. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và ô nhiễm môi trường ở Việt Nam cũng đã được khám phá. Dinh & Lin (2014) không tìm thấy hiệu ứng chữ U ngược, trong khi nghiên cứu của Tang & Tan (2015) kết luận có tồn tại hiệu ứng chữ U ngược và tiêu thụ năng lượng, FDI và tăng trưởng kinh tế là 3 trụ cột chính làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam. Gần đây, Ngọc (2020) bổ sung thêm rằng tác động của tiêu thụ điện đến lượng khí thải CO ở Việt nam là đối xứng trong ngắn hạn, nhưng bất đối xứng trong dài hạn. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa tỷ lệ đô thị hóa với lượng khí thải CO là không thực sự rõ ràng.
Tổng kết lại, hầu hết các nghiên cứu trước đều dựa trên giả định là tác động của việc tăng chất lượng vốn con người và việc giảm chất lượng vốn con người đến nhu cầu “tài sản sinh thái” là như nhau. Tuy nhiên, gần đây một số các nghiên cứu đã phát hiện nhiều biến số kinh tế có tác động bất đối xứng (asymmetric effect) như: Lạm phát (Ngoc, 2020); tiêu thụ năng lượng (Baz & cộng sự, 2020; Chukwunonso Bosah & cộng sự, 2020); hay tỷ giá hối đoái (Bahmani-Oskooee & Baek, 2016; Rajput & cộng sự, 2019). Điều này hàm ý rằng cách tiếp cận theo tác động tuyến tính có thể không giải thích được đầy đủ các tác động của vốn con người và tỷ lệ đô thị hóa đến nhu cầu “tài sản sinh thái”. Do vậy, đây là “khoảng trống nghiên cứu” cho Việt Nam mà bài viết muốn lấp đầy.
Thảo luận kết quả
Kết quả thực nghiệm của nghiên cứu cho thấy vốn con người làm giảm nhu cầu về “tài sản sinh thái” trong khi tăng trưởng kinh tế lại làm tăng nhu cầu đó ở Việt Nam. Như vậy, kết luận này tương đồng với lý thuyết và trùng với kết luận của (Ahmed & cộng sự, 2020; Danish & cộng sự, 2019; Feng & Wu, 2011; Kassouri & Altintas, 2020; Verhofstadt & cộng sự, 2016; Zafar & cộng sự, 2019). Đối chiếu với thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam có thể tin rằng kết luận này là hợp lý bởi một số lý do sau:
Thứ nhất: Có thể dễ dàng nhận ra rằng ý thức bảo vệ môi trường ở các nước phát triển là tốt hơn các nước đang phát triển (Verhofstadt & cộng sự, 2016). Do vậy, cùng với việc cải thiện thu nhập thì ý thức bảo vệ môi trường của cả Chính Phủ, doanh nghiệp và người dân Việt Nam đang được nâng lên.
Thứ hai: Việc hội nhập sâu và rộng với kinh tế khu vực và thế giới buộc Chính Phủ Việt Nam phải ban hành và thực thi nhiều tiêu chuẩn về môi trường tương đương với các nước phát triển trong khu vực. Điều này giúp khắc phục và có tính răn đe mạnh đối với các hành vi phá hoại chất lượng môi trường (Rudolph & Figge, 2017).
Thứ ba: Bảo vệ môi trường và lối sống tối giản (chỉ mua sắm những thiết bị, vật dụng cần thiết cho đời sống hàng ngày) đã được giảng dạy trong các trường học cho thế hệ trẻ cũng góp phần thay đổi cách ứng xử với môi trường và tiết giảm các nhu cầu về “tài sản sinh thái”.
Kết luận và hàm ý chính sách
Tác động của vốn con người, tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ đô thị hóa đến nhu cầu về “tài sản sinh thái” đã được phân tích, nhưng chủ yếu là ở các nước phát triển và dựa trên khung phân tích tuyến tính. Số lượng các nghiên cứu cho những nước đang phát triển như Việt Nam và sử dụng khung phân tích phi tuyến còn khiêm tốn. Bằng phương pháp tự hồi quy phân phối trễ phi tuyến NARDL do Shin & cộng sự (2014) đề xuất, nghiên cứu cho kinh tế Việt nam trong giai đoạn 1970-2016, bài viết khẳng định được một số điểm sau đây:
Thứ nhất: Có bằng chứng thống kê để kết luận tác động của vốn con người đến nhu cầu “tài sản sinh thái” là tác động bất đối xứng trong dài hạn, nhưng đối xứng trong ngắn hạn.
Thứ hai: Tăng trưởng kinh tế làm gia tăng nhu cầu “tài sản sinh thái”, không chỉ nhằm tăng các tiện ích của cuộc sống mà còn để hấp thụ những phế thải do quá trình sản xuất và tiêu dùng tạo ra.
Thứ ba: Chưa đủ bằng chứng thống kê để kết luận giữa tỷ lệ đô thị hóa có mối quan hệ với loại nhu cầu này.
Việc tìm được tác động bất đối xứng trong nghiên cứu này góp phần hoàn thiện cơ sở lý thuyết về các yếu tố ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường và “tài sản sinh thái”. Hàm ý rằng sự thay đổi “vốn con người” sẽ tác
động đến nhu cầu “tài sản sinh thái” là không giống nhau theo thời gian, và mức độ mạnh yếu trong dài hạn cũng khác nhau khi xuất hiện sự thay đổi tăng hoặc thay đổi giảm trong ngắn hạn.
Từ kết quả thực nghiệm, tác giả xin lưu ý một số điểm sau khi vận dụng kết quả vào thực tiễn như sau:
Lưu ý 1: Vốn con người giúp giảm nhu cầu về “tài sản sinh thái”, do vậy việc nâng cao chất lượng vốn con người là hết sức cần thiết. Bên cạnh việc đưa vào các chương trình giảng dạy thì Chính Phủ cũng cần tăng cường cho các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường. Bởi vì, để biến sự thay đổi trong nhận thức thành các hành động cụ thể luôn cần thời gian.
Lưu ý 2: Không đủ bằng chứng thống kê để kết luận tỷ lệ đô thị hóa có mối quan hệ với nhu cầu “tài sản sinh thái”, điều này không đồng nghĩa với việc bài viết ủng hộ cho quan điểm nên đẩy nhanh quá trình đô thị hóa ở Việt Nam. Thực tiễn ở các quốc gia phát triển cho thấy, quá trình đô thị hóa chỉ thực sự thành công khi nó không làm thay đổi hoặc tăng thêm các tiêu chuẩn sống của người dân về không gian xanh, hạ tầng giao thông, chất lượng không khí hay sự phát triển của hệ thống chăm sóc y tế, trường học, bên cạnh các điều kiện tối thiểu khác như cung cấp nước sạch, lương thực và an ninh.