Hiện nay, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang là xu thế tất yếu khách quan, tác động mạnh mẽ đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và là một đề tài nghiên cứu được rất nhiều nhà khoa học quan tâm. Bên cạnh những lợi ích rõ rệt mà thương mại quốc tế mang lại thì cũng có rất nhiều mặt trái ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế quốc gia. Trong đó, gian lận hóa đơn thương mại được xem là một vấn nạn chung của toàn thế giới.
Gian lận hóa đơn là việc cố tình khai báo sai giá trị, số lượng hoặc bản chất của một giao dịch thương mại trên hóa đơn nộp cho các cơ quan hải quan thông qua việc khai thừa hoặc thiếu giá trị xuất nhập khẩu. Cụ thể, thông thường hóa đơn nhập khẩu được khai thừa giá trị với mục đích chuyển vốn ra ngoài còn khai thiếu giá trị nhằm trốn thuế nhập khẩu; trường hợp khai thừa giá trị xuất khẩu thường để chuyển một lượng vốn ra ngoài và trốn thuế khi khai thiếu giá trị hóa đơn.
Theo xếp hạng của Uỷ ban Basel năm 2020 thì Việt Nam đứng thứ 12/141 quốc gia về nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố. Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế có độ mở rất cao, năm 2020 là 200% GDP, do đó, khả năng rửa tiền thông qua gian lận hoá đơn xuất nhập khẩu có thể tồn tại. Vì thế, bài viết này tìm hiểu thực trạng gian lận hoá đơn trong thương mại quốc tế ở Việt Nam và xác định các nhân tố chính tác động tới gian lận thương mại.
Đo lường gian lận hoá đơn thông qua sử dụng phương pháp được đề xuất bởi Kwaramba & cộng sự (2016) và dữ liệu thương mại HS2 của Việt Nam với các nước bạn hàng từ 2000-2017, sử dụng mô hình hồi quy bình phương nhỏ nhất (OLS) để đánh giá tác động của các nhân tố tới gian lận hoá đơn của Việt Nam.
Tổng quan nghiên cứu gian lận hoá đơn trong thương
1. Nghiên cứu về gian lận hóa đơn và phương pháp đo lường gian lận hoá đơn.
Gian lận thương mại có thể được thực hiện bằng cả bốn biện pháp là khai thừa hoặc thiếu giá trị hóa đơn hàng nhập khẩu và xuất khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế, việc gian lận này lại xảy ra chủ yếu trong trường hợp khai thừa giá trị hàng nhập khẩu nhằm chuyển vốn và khai thiếu giá trị hàng xuất khẩu nhằm trốn thuế. Nhằm phát hiện và phân tích nguyên nhân của sự chuyển vốn từ các nước Châu Phi cận Sahara, Ndikumana & Boyce (2003) đã tiến hành một nghiên cứu với dữ liệu của 40 quốc gia Châu Phi từ năm 1970 đến 2004 thông qua đo lường các yếu tố như lạm phát, lãi suất, tỷ giá hối đoái, các chỉ số chính sách tài khóa…
Kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng 420 triệu đô vốn được dịch chuyển thông qua khai báo sai hóa đơn nhập khẩu. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng giữa các quốc gia Châu Phi và các đối tác thương mại OECD có liên quan tiêu cực tới việc chuyển vốn ra nước ngoài (Ndikumana & Boyce, 2003). Cũng theo hướng nghiên cứu này, hai tác giả Buehn & Eichler (2011) đã phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến việc gian lận hóa đơn thương mại bằng cách sử dụng bộ dữ liệu mảng của 86 quốc gia từ năm 1980 đến năm 2005. Bài nghiên cứu của họ đã chỉ ra rằng, phí bảo hiểm chợ đen là nhân tố tác động lớn nhất đến mức độ lập sai hóa đơn xuất nhập khẩu để từ đó làm tăng vấn nạn rửa tiền; đồng thời, trốn thuế là động cơ chính của việc gian lận hóa đơn thương mại Buehn & Eichler (2011).
Trong nghiên cứu về chuyển vốn thông qua gian lận hóa đơn ở Châu Phi, de Boyrie & cộng sự (2007) đã sử dụng mã HS với hơn 15.000 danh mục hàng hóa nhập khẩu và hơn 8.000 danh mục hàng hóa xuất khẩu. Bằng cách sử dụng độ lệch so với giá trung bình trong các loại hàng hóa này, các tác giả đã xác định được giá bất thường và đưa ra ước tính về lượng vốn chuyển từ 58 quốc gia ở Châu Phi sang Hoa Kỳ. Kết quả của nghiên cứu này chứng minh rằng từ năm 2000 đến 2005, dòng vốn chảy ra từ tất cả 58 quốc gia ở Châu Phi đến Hoa Kỳ đã tăng hơn 50%, cả thông qua xuất khẩu giá thấp và nhập khẩu giá cao de Boyrie & cộng sự (2007).
Nguyễn Thị Thuỷ (2008) nghiên cứu về gian lận thương mại qua giá trong hoạt động nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn trước 2008 bằng việc sử dụng số liệu từ Cục điều tra chống buôn lậu – Tổng cụ Hải quan, tác giả đã chỉ ra nhóm các mặt hàng có khả năng gian lận cao như ô tô, xe máy, điện tử, điện lạnh…, đặc biệt là nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
2. Nghiên cứu hậu quả của gian lận hoá đơn tới hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Gian lận hóa đơn là một vấn nạn chung của toàn thế giới, gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới hoạt động của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế quốc gia. Theo lý thuyết, sự bất bình ổn giá, khan hiếm hàng hóa, triệt tiêu động lực sản xuất trong nước, không khuyến khích hàng hóa nhập khẩu hợp pháp, gây thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước… là những hậu quả trực tiếp, rõ ràng nhất.
Baker (2014) trong bài nghiên cứu về các nước Ghana, Kenya, Mozambique, Tanzania, và Uganda đã chỉ ra rằng việc gian lận hóa đơn đang cản trở sự tăng trưởng kinh tế và khiến chính phủ các nước này bị thất thu 60,8 tỷ đô la Mỹ từ năm 2002 đến 2011. Nghiên cứu cho thấy khoản thất thoát thuế trung bình hàng năm tiềm ẩn do gian lận hóa đơn lên tới khoảng 12,7% tổng thu nhập của chính phủ Uganda trong những năm 2002-2011, tiếp theo là Ghana (11,0%), Mozambique (10,4%), Kenya (8,3%), và Tanzania (7,4%).
Cũng theo hướng nghiên cứu này, hai tác giả Qureshi & Mahmood (2016) đã chỉ ra những hậu quả nghiêm trọng của việc gian lận hóa đơn với tổng giá trị thiệt hại trên 92,7 tỷ đô la Mỹ ở Parkistan. Thứ nhất, chính phủ bị tổn thất một lượng lớn doanh thu từ việc trốn thuế hải quan và thuế xuất khẩu cùng với khoản lỗ doanh thu thuần trung bình hàng năm do gian lận hóa đơn tương đương với 11,2% tổng doanh thu được tạo ra từ thuế quan. Thứ hai, sự tăng trưởng của nền kinh tế bị suy giảm do vốn bị chuyển ra nước ngoài thông qua việc khai quá hóa đơn nhập khẩu thay vì được đầu tư trong nước. Thứ ba, việc tổn thất doanh thu đồng nghĩa với việc chính phủ sẽ không thể sử dụng các nguồn lực tiềm năng để mở rộng các dịch vụ xã hội (Qureshi & Mahmood, 2016).
Mai Thị Vân Anh (2014) nghiên cứu hành vi gian lận hoá đơn ở Việt Nam nhằm trốn thuế xuất nhập khẩu. Thông qua các tình huống, nghiên cứu đã chỉ ra tác hại làm thất thu thuế nhà nước rất đáng kể của gian lận thương mại.
3. Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới gian lận hoá đơn.
Patnaik & cộng sự (2012) đã chỉ ra rằng, trong số 53 quốc gia lớn về quy mô kinh tế tính theo thương mại và GDP trong giai đoạn 1980–2005 thuộc khu vực Đông Á và Đông Âu có những hiện tượng về gian lận hóa đơn thương mại. Bài nghiên cứu cũng cho thấy, các quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn thường có khả năng gian lận hóa đơn thương mại cao hơn. Bên cạnh đó, độ mở tài khoản vốn, chênh lệch lãi suất, ổn định chính trị, tham nhũng, nợ nần và chế độ tỷ giá hối đoái là những yếu tố chính tác động đến gian lận hóa đơn thương mại. Bằng việc sử dụng biểu đồ kết hợp mô hình kinh tế lượng với cơ sở số liệu từ IMF, các tác giả cũng đưa ra kết luận: Xu hướng và mức độ phức tạp của gian lận hóa đơn thương mại ở các nước đang phát triển cao hơn các nước công nghiệp phát triển trong giai đoạn 1980–2005 (Patnaik & cộng sự, 2012).
Về các nghiên cứu ở Việt Nam, Vũ Mạnh Hà (2017) nghiên cứu các nhân tố của Việt Nam ảnh hưởng tới việc khai sai hóa đơn thương mại trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp ở Việt Nam. Tác giả tìm kiếm giá trị xuất, nhập khẩu ở 91 quốc gia giao thương với Việt Nam trong giai đoạn 2001-2016. Nghiên cứu của tác giả thực hiện ở trên cả 4 mô hình khai thấp, cao trong hóa đơn thương mại trong hàng xuất khẩu và khai thấp, cao hóa đơn thương mại trong hàng nhập khẩu cùng với việc sử dụng mô hình phân tích định lượng để tìm ra mối quan hệ giữa các nhân tố ảnh hưởng và việc khai sai hóa đơn.
Nghiên cứu của chúng tôi khác biệt công trình của Vũ Mạnh Hà (2017) ở các điểm như sau: (i) Nghiên cứu của chúng tôi sử dụng ước tính gian lận hoá đơn chi tiết đến HS2 nên hạn chế được sự bù trừ của các giao dịch là khai thiếu ở giao dịch này và khai thừa ở giao dịch khác, và do đó phản ánh chính xác hơn thực trạng gian lận hoá đơn. (ii) Khi đánh giá các nhân tố ảnh hưởng tới gian lận hoá đơn, chúng tôi sử dụng đánh giá các nhân tố liên quan đến quốc gia đối tác thương mại của Việt Nam và dùng hiệu ứng cố định theo quốc gia và theo năm để kiểm soát các nhân tố không quan sát được.
Kết luận: Gian lận hoá đơn trong thương mại quốc tế ở Việt Nam
Với độ mở cửa kinh tế ngày càng cao, Việt Nam đang ngày càng vươn xa ra thị trường thế giới và cũng là cửa ngõ của khu vực ASEAN. Khát vọng được trở mình chính là động lực để có được một Việt Nam hội nhập sâu như ngày hôm nay. Tuy nhiên, đi kèm với lợi ích khi mở rộng giao thương ra nước ngoài luôn là những vấn đề phát sinh, mà ở đây chúng tôi đã đề cập đến gian lận hóa đơn trong thương mại quốc tế.
Nghiên cứu đã xây dựng và kiểm chứng mô hình hồi quy các yếu tố tác động tới sự gian lận giá trị hóa đơn thương mại với mục đích bất hợp pháp mà chủ yếu là để doanh nghiệp trốn thuế hoặc chuyển vốn vào hay ra khỏi đất nước. Kết quả ước tính cho thấy doanh nghiệp có xu hướng khai thừa hóa đơn nhập khẩu nhằm chuyển vốn (hoặc rửa tiền) ra nước ngoài và khai thiếu hóa đơn xuất khẩu để trốn thuế. Giá trị gian lận hóa đơn xuất khẩu được tìm thấy nhiều nhất ở Mexico, Thuỵ Sỹ, Trung Quốc và Phần Lan; ở nhập khẩu, giá trị gian lận này cũng được tìm thấy ở Trung Quốc, Trinidad & Tobago và Senegal là đáng kể nhất.
Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy khi lãi suất và tính ổn định chính trị ở quốc gia đối tác càng cao thì càng làm tăng gian lận khai thiếu hoá đơn xuất khẩu. Trong khi đó, thặng dư cán cân vãng lai và tỷ giá có tác động cùng chiều tới gian lận khai thừa hoá đơn nhập khẩu, nhưng các nhân tố về lạm phát, lãi suất và tính ổn định chính trị ở quốc gia đối tác của Việt Nam lại làm giảm gian lận thông qua khai báo hoá đơn nhập khẩu.
Khi bổ sung thêm các yếu tố về độ tự do hoá kinh tế của quốc gia đối tác cho thấy mức độ chênh lệch chỉ số quyền sở hữu, liêm chính của chính phủ, tự do hoá tiền tệ và đầu tư giữa quốc gia đối tác và Việt Nam càng tăng thì càng làm gia tăng gian lận khai thừa hoá đơn nhập khẩu. Ngược lại, chênh lệnh mức độ tự do kinh doanh và tài chính có tác động ngược chiều tới gian lận khai thừa hoá đơn nhập khẩu.
Những kết quả nêu ra ở trên có hàm ý chính sách quan trọng trong việc giúp Chính phủ Việt Nam định vị được những quốc gia, mặt hàng, hoạt động xuất khẩu hay nhập khẩu có nguy cơ chuyển vốn phi pháp cao. Đồng thời cũng chỉ ra các nhân tố có tác động tới gian lận hoá đơn để giúp Chính phủ có những định hướng chính sách phù hợp nhằm ngăn chặn hoặc làm giảm hoạt động gian lận hoá đơn xuất nhập khẩu.
Điều chỉnh không gian tài khóa để pháp triển bền vững ở Việt Nam