Lý thuyết kinh tế truyền thống cho rằng muốn tăng trưởng kinh tế phải đánh đổi bằng sự bền vững của môi trường. Tuy nhiên, các bằng chứng gần đây chỉ ra nhiều xu thế phát triển mới của mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và chất lượng môi trường chứ không đơn thuần tuân theo lý thuyết cổ điển. Borghesi & Vercilli (2003), Grossman & Krueger (1995) lập luận rằng phát triển kinh tế và chất lượng môi trường có sự tác động qua lại chặt chẽ với nhau, theo đó, tăng trưởng kinh tế là điều kiện tiên quyết cho bền vững môi trường. Các tác giả ghi nhận mối quan hệ nghịch giữa tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người và chất lượng môi trường. Từ đó, lý thuyết “đường cong Kuznets môi trường” (EKC) ra đời để mô phỏng và luận giải xu thế tương quan giữa tăng trưởng kinh tế và chất lượng môi trường. Đường cong EKC được thiết lập dựa trên giả thuyết mối quan hệ dạng chữ U ngược giữa sản lượng nền kinh tế tính trên đầu người (GDP bình quân) và mức độ suy thoái môi trường (thường được đo lường thông qua chỉ tiêu phát thải CO2 bình quân) (Hình 2).
Đường cong KuznetsTheo lý thuyết đường cong Kuznets, ở giai đoạn phát triển ban đầu, các quốc gia thường ưu tiên thúc đẩy sản xuất công nghiệp, từ đó dẫn tới suy thoái môi trường. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách cũng chú trọng vào việc tạo thu nhập hơn là duy trì bền vững môi trường. Tuy nhiên, vào giai đoạn hậu kỳ phát triển, khi thu nhập đạt đến mức đủ lớn, cộng đồng hình thành ý thức và tích cực hành động vì môi trường, đồng thời chính phủ và cơ quan quản lý cũng bắt đầu chú ý nhiều hơn đến môi trường trong chiến lược phát triển, kết quả là suy thoái môi trường giảm hẳn (Phạm Đức Anh, 2020). Do đó, đường cong EKC cho thấy tăng trưởng kinh tế có thể tương thích với bền vững môi trường.
Đa số nghiên cứu chủ yếu tập trung vào mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và suy thoái môi trường (ví dụ: Omri & cộng sự, 2014; Zhu & cộng sự, 2016), trong khi suy thoái chỉ là một phần của vấn đề môi trường. Các nghiên cứu về đường cong Kuznets chủ yếu đề cập về vấn đề ô nhiễm không khí và ô nhiễm nước, trong khi suy thoái môi trường trên lý thuyết còn bao hàm nhiều yếu tố khác như ô nhiễm chất thải rắn, mất cân bằng hệ sinh thái và giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên, công cuộc tìm kiếm năng lượng mới để duy trì bền vững môi trường.
Bản mở rộng đường cong dạng N gần đây cũng được nhiều nghiên cứu quan tâm, kiểm chứng (ví dụ: Akbostanci & cộng sự, 2009). Xuất phát từ đường cong nguyên bản, đường cong N bổ sung ngưỡng chuyển đổi thứ hai với hàm ý thiệt hại môi trường sẽ tăng khi nền kinh tế bước sang giai đoạn phát triển cao (Hình 3). Điều này tương tự quan điểm “chất độc hại mới” khi lưu lượng phát thải ô nhiễm hiện tại giảm đi kèm với tăng trưởng kinh tế tích cực, song sự ra đời của những chất gây ô nhiễm mới khiến các biện pháp xử lý môi trường trở nên mất tác dụng, hệ quả là hiện trạng xuống cấp môi trường tái lặp.
Một số lý thuyết khác cũng đã tranh luận về sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường. Thuyết giới hạn xem xét khả năng vi phạm ngưỡng môi trường trước khi nền kinh tế đạt tới điểm chuyển đổi EKC. Nếu chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế để cải thiện môi trường có thể gây phản tác dụng. Đặc biệt, chi phí để khắc phục thiệt hại và cải thiện môi trường khi mà nền kinh tế đã vượt qua ngưỡng chuyển đổi có thể cao hơn đáng kể chi phí phòng ngừa thiệt hại hoặc tiến hành biện pháp giảm thiểu ô nhiễm trước đó. Ví dụ, khi làm sạch dòng sông bị ô nhiễm, ngay từ đầu, chi phí để phòng tránh tình trạng ô nhiễm thấp hơn hẳn chi phí làm sạch phát sinh sau này. Thuyết giới hạn định nghĩa mối quan hệ kinh tế – môi trường về khía cạnh thiệt hại môi trường khi chạm ngưỡng trên mà tại đó sự sản xuất có ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế (Hình 4a).
Một lý thuyết khác đặt vấn đề về sự tồn tại của ngưỡng chuyển đổi và xem xét khả năng thiệt hại môi trường sẽ tăng khi nền kinh tế phát triển (Hình 4b). Điều này tương tự như thuyết “chất độc hại mới” khi sự phát thải chất gây ô nhiễm hiện tại giảm xuống đi kèm với tăng trưởng tăng cao, tuy nhiên, chất gây ô nhiễm dạng mới thay thế chúng lại tăng lên.
Stern (2004) khẳng định mối quan hệ tăng trưởng kinh tế – môi trường có thể tiếp tục phát triển xa hơn trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế. Cạnh tranh quốc tế ban đầu làm gia tăng thiệt hại môi trường, đạt tới điểm mà các quốc gia phát triển bắt đầu giảm tác động môi trường của họ đồng thời “thuê” các nước nghèo hơn thực hiện các hoạt động gây ô nhiễm. Kết quả thực tế cho thấy tình trạng này không được cải thiện (Hình 4c). Mô hình này còn được gọi là “cuộc đua xuống đáy” (“Race to the Bottom”).
Nhận xét
Nghiên cứu được triển khai nhằm kiểm định tính ngưỡng trong mối quan hệ tăng trưởng kinh tế và lượng phát thải CO tại Việt Nam trong giai đoạn 1960 – 2019. Kết quả kiểm định mô hình cho thấy rằng không đủ bằng chứng để khẳng định mối quan hệ ngưỡng giữa hai biến trên. Nói cách khác, giả thuyết EKC bị bác bỏ cho trường hợp Việt Nam. Tuy nhiên, các mô hình hồi quy với biến tổng và biến bình quân đầu người đều cho thấy có tồn tại một “điểm gãy” (break point), tại đó bản chất mối quan hệ có sự thay đổi. Cụ thể, với thu nhập bình quân đầu người, điểm gãy là 542 USD, còn với tăng trưởng kinh tế là 3,8%. Cả hai mô hình đều cho thấy nếu thu nhập bình quân đầu người hoặc tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt qua “điểm gãy”, tác động của hai biến này lên lượng phát thải CO chuyển từ không có ý nghĩa thống kê sang xu thế thuận chiều có ý nghĩa thống kê. Nói cách khác, khi thu nhập bình quân đầu người lớn hơn 542 USD và tăng trưởng GDP lớn hơn 3,8%, hoạt động của nền kinh tế sẽ tác động tiêu cực tới tình trạng biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu.
Kết quả thực nghiệm cũng cho thấy lượng năng lượng tiêu thụ bình quân đầu người có tác động làm gia tăng phát thải CO bình quân đầu người tại Việt Nam. Kết quả này hoàn toàn phù hợp và có thể đoán định được, vì hiện nay Việt Nam là quốc gia đang phát triển và vẫn phụ thuộc nhiều vào các nguồn năng lượng hoá thạch. Hoạt động kinh tế diễn ra càng nhiều và sôi nổi thì lượng năng lượng tiêu thụ càng nhiều và dẫn đến lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính càng tăng. Tương tự, đầu tư trực tiếp nước ngoài dường như cũng có tác động làm xấu đi chất lượng môi trường tại Việt Nam. Trong khi đó, xuất nhập khẩu lại có tác động cải thiện tình hình thông qua việc giảm lượng phát thải CO .
Từ các kết quả thu được, nhà hoạch định chính sách Việt Nam có thể cân nhắc các khuyến nghị sau cho công tác hoạch định phát triển:
Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý và ban hành các văn bản nhằm thúc đẩy lộ trình giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam và kiểm soát chặt chẽ hơn lượng phát thải khí nhà kính của các ngành và lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng, lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp.
Chính phủ cần đưa ra hệ thống chính sách đồng bộ nhằm thúc đẩy hoạt động trong nền kinh tế theo hướng xanh hoá và bền vững, khuyến khích phát triển các ngành sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng hoặc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Với lĩnh vực sản xuất điện, chính phủ cần có các định hướng và lộ trình rõ ràng và dài hạn để giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hoá thạch, thay thế dần bằng các nguồn năng lượng sạch và có thể tái tạo.
Kết quả nghiên cứu tại Việt Nam ngụ ý rằng thương mại toàn cầu đang mang đến những tác động tích cực nhằm cải thiện chất lượng môi trường. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục tận dụng độ mở kinh tế lớn để tăng cường tiếp cận công nghệ tiên tiến từ nước ngoài, giúp cải thiện hiệu quả sản xuất, tiết giảm tiêu hao năng lượng và cải thiện tình trạng biến đổi khí hậu.
Với đầu tư trực tiếp nước ngoài, Chính phủ cần kiểm tra kỹ lưỡng yêu cầu đầu vào đối với nhà đầu tư, đồng thời có chính sách hạn chế cấp phép đầu tư cho các ngành và dự án sử dụng thiết bị và công nghệ lạc hậu, tổn hao năng lượng, tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường như năng lượng mặt trời, năng lượng gió.